Bản tin pháp luật số 01 - Tháng 04/2018

09:06 | 16/04/2018

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 04/2018

1.         Hướng dẫn mới về cách xác định xuất xứ hàng hóa

Ngày 03/4/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa.Theo đó, nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa là hàng hóa có xuất xứ tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó.

Cụ thể, việc xác định xuất xứ hàng hóa sẽ dựa vào quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi và hàng hóa không ưu đãi được quy định cụ thể tại Điều 5, 6 Thông tư này.

Ngoài ra, thương nhân đề nghị cấp C/O thực hiện việc kê khai, cam kết xuất xứ hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo các mẫu ban hành kèm theo phụ lục II, III, IV, V, VI, VII, VIII, IX Thông tư này.

Trường hợp thương nhân đề nghị cấp C/O không phải là nhà sản xuất thì có trách nhiệm yêu cầu nhà sản xuất kê khai, cam kết theo những mẫu nêu trên.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

2.         Điều kiện cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

Ngày 02/04/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 18/2018/QĐ-TTg hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Theo đó, các khoản cho vay được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

-                    Đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng.

-                    Đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

-                    Là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.

Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016 - 2020.

Thời gian được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời gian các khoản cho vay đối với khách hàng vay vốn được quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định 100.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/5/2018, áp dụng đối với khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015.

3.         Quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (“PVTM”)

Ngày 06/04/2018, Thông tư 06/2018/TT-BCT được ban hành để hướng dẫn biện pháp phòng vệ thương mại (“Thông Tư 06”). Theo đó, Thông Tư 06 quy định chi tiết một số nội dung nổi bật như sau:

a.                  Các thông tin được đề nghị bảo mật gồm

-                    Bí mật kinh doanh liên quan đến tính chất của một sản phẩm hoặc quy trình sản xuất;

-                    Thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như chi phí sản xuất; chi phí bán hàng; điều khoản bán hàng nhưng không phải điều khoản bán hàng được cung cấp công khai;…

-                    Thông tin về biên độ phá giá chính xác đối với từng giao dịch cụ thể trong vụ việc điều tra chống bán phá giá;

-                    Thông tin về khoản lợi ích mà Bên bị yêu cầu được hưởng đối với từng chương trình trợ cấp đang bị điều tra hoặc rà soát trong vụ việc điều tra chống trợ cấp,…

b.                  04 trường hợp hàng hóa được xem xét miễn trừ áp dụng PVTM

Một số sản phẩm hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp PVTM sẽ được xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM tạm thời, biện pháp PVTM chính thức, cụ thể:

-                    Thứ nhất, hàng hóa nhập khẩu có đặc điểm khác biệt với hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước; mà hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất bởi ngành sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;

-                    Thứ hai, hàng hóa nhập khẩu là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;

-                    Thứ ba, hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường;

-                    Thứ tư, khối lượng hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/06/2018.

4.         Cách thức đưa hàng hóa vào mua bán qua Sở Giao dịch hàng hóa

Ngày 09/04/2018, Nghị định 51/2018/NĐ-CP được ban hành để sửa đổi Nghị định 158/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (“SGDHH”).

Theo đó, để đưa hàng hóa vào mua bán qua SGDHH thì tùy theo từng loại hàng hóa mà thực hiện như sau:

-                    Đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh thì SGDHH phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền chấp thuận để niêm yết giao dịch trên SGDHH.

-                    Đối với những mặt hàng không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện thì SGDHH có trách nhiệm gửi hồ sơ thông báo với Bộ Công Thương trước khi chính thức niêm yết giao dịch.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.