BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 11/2022

10:28 | 21/11/2022

 BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 11/2022

(TỪ NGÀY 05.11.2022 – 20.11.2022)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Quyết định 19/2022/QĐ-TTg - Chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2022-2024
Thủ tướng ban hành Quyết định 19/2022/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 về chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2022-2024, có hiệu lực từ ngày 10/11/2022.
Theo đó, mức chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2022-2024 như sau:
- Mức chi phí quản lý BHXH (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), BHTN thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 09/2021/UBTVQH15.
- Mức chi phí quản lý BHYT bình quân tối đa 3,5% tiền đóng BHYT, được trích từ quỹ BHYT, trong đó: năm 2022 tối đa 3,55%, năm 2023 tối đa 3,5% và năm 2024 tối đa 3,45%.
Dự toán chi phí quản lý BHYT hằng năm được xác định theo mức chi phí tính trên dự toán thu tiền đóng BHYT hằng năm.
- Các đơn vị thực hiện sử dụng và quyết toán chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT được giao hằng năm theo chế độ quy định.
 Phần chênh lệch giữa chi phí quản lý quyết toán trong phạm vi dự toán được giao và chi phí quản lý theo tỷ lệ tính trên số thực thu, thực chi được trừ vào dự toán chi phí quản lý năm sau.
Trường hợp trong năm, BHXH Việt Nam dự kiến số thu tiền đóng BHYT cao hơn dự toán dẫn đến phát sinh tăng lớn chi phí quản lý thì phải có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng bổ sung dự toán chi phí quản lý BHYT, nhưng không vượt quá tỷ lệ chi phí quản lý được trích tính trên số thu tiền đóng BHYT trong năm.
2. Nghị quyết 148/NQ-CP - Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45%
Đây là mục tiêu được nêu tại Nghị quyết 148/NQ-CP năm 2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có hiệu lực từ ngày 11/11/2022.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 đạt các mục tiêu cụ thể sau:
- Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45%; Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 – 1,9% vào năm 2025;
- Số lượng đô thị toàn quốc khoảng 950 – 1.000 đô thị;
- 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị;
- Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 – 16%; Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 – 8m2; Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2;
- Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%;
- Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75%; Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc trung ương đạt bình quân 25-30%.
3. Thông tư 12/2022/TT-NHNN - Quy định về khoản vay nước ngoài phải thực hiện đăng ký với NHNN
Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/11/2022.
Theo đó, khoản vay nước ngoài phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước bao gồm:
- Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
- Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.
- Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
(Hiện hành Thông tư 03/2016/TT-NHNN quy định: trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành việc trả nợ Khoản vay trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ thời điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên).
4. Thông tư 18/2022/TT-BLĐTBXH - Bãi bỏ 05 VBQPPL lĩnh vực Quan hệ lao động và Tiền lương, bãi bỏ 6 văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực bảo hiểm xã hội
Thông tư 18/2022/TT-BLĐTBXH bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, liên tịch ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/11/2022.
Theo đó:
Bãi bỏ 05 văn bản QPPL lĩnh vực Quan hệ lao động và Tiền lương gồm:
- Thông tư 28/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công nhân, nhân viên, viên chức xây dựng 05 công trình thủy điện.
- Thông tư 12/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công nhân, nhân viên, viên chức xây dựng công trình thủy điện.
- Thông tư 37/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca đối với công nhân, viên chức xây dựng công trình thủy điện Sơn La.
- Thông tư 03/2011/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công nhân, viên chức xây dựng công trình thủy điện Lai Châu và Đồng Nai 5.
- Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.
Bãi bỏ 06 văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bao gồm:
- Thông tư 58/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/7/2016 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 55/2016/NĐ-CP .
- Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Thông tư 18/2017/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2017 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 8 điều 1 Nghị định 76/2017/NĐ-CP .
- Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
5. Thông tư 60/2022/TT-BTC - Các lĩnh vực người có chức vụ khi thôi giữ chức không được thành lập doanh nghiệp
Nội dung đề cập tại Thông tư 60/2022/TT-BTC quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 17/11/2022.
Cụ thể, các lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, điều hành doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ bao gồm:
- Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.
- Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
- Quản lý nhà nước về bảo hiểm.
- Quản lý nhà nước về hải quan.
- Quản lý nhà nước về giá.
- Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.
- Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
- Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.
- Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.
- Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước.
- Quản lý nhà nước về tài sản công.
Thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ thực hiện theo Điều 6 Thông tư 60/2022/TT-BTC .
6. Thông tư 20/2022/TT-BKHĐT - Lập HSMT dịch vụ tư vấn gói thầu thuộc Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA
Thông tư 20/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu dịch vụ tư vấn đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, có hiệu lực từ ngày 20/11/2022
Trong đó, hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt HSMT dịch vụ tư vấn với gói thầu thuộc Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA như sau:
- Căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể, bên mời thầu đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
HSMT phải bao gồm đầy đủ các thông tin cần thiết để làm cơ sở cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu;
- Bên mời thầu không được đưa ra:
+ Các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng;
+ Yêu cầu nhà thầu đã từng ký kết thực hiện một hoặc nhiều hợp đồng với cơ quan mua sắm của một quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể hoặc nhà thầu phải có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ trong lãnh thổ của quốc gia, vùng lãnh thổ đó như là tiêu chí để loại bỏ nhà thầu;
- Trường hợp chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu HSMT thì tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt HSMT phải bảo đảm việc chỉnh sửa đó là chặt chẽ hơn so với quy định nêu trong Mẫu HSMT và không trái với quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA.
Trong tờ trình đề nghị phê duyệt HSMT phải nêu rõ các nội dung chỉnh sửa so với quy định trong Mẫu HSMT và lý do chỉnh sửa để chủ đầu tư xem xét, quyết định.
7. Thông tư 21/2022/TT-BKHĐT - Yêu cầu về lập HSMT dịch vụ phi tư vấn thuộc Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA
Thông tư 21/2022/TT-BKHĐT do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 30/9/2022 quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, có hiệu lực từ ngày 20/11/2022 thay thế Thông tư 11/2015/TT-BKHĐT.
Theo đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt HSMT gói thầu dịch vụ phi tư vấn thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA phải đáp ứng yêu cầu như sau:
- Căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế;
- Không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng;
Không đưa ra yêu cầu nhà thầu đã từng ký kết thực hiện một hoặc nhiều hợp đồng với cơ quan mua sắm của một quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể hoặc nhà thầu phải có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ trong lãnh thổ của quốc gia, vùng lãnh thổ đó như là tiêu chí để loại bỏ nhà thầu;
- Trường hợp chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu HSMT thì tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt HSMT phải bảo đảm việc chỉnh sửa đó là phù hợp, chặt chẽ hơn so với quy định nêu trong Mẫu HSMT và không trái với quy định của Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA.
Trong tờ trình đề nghị phê duyệt HSMT phải nêu rõ các nội dung chỉnh sửa so với quy định trong Mẫu HSMT và lý do chỉnh sửa để chủ đầu tư xem xét, quyết định.