BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 03/2025

10:45 | 20/03/2025
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 03/2025
(TỪ NGÀY 05.03.2025 – 20.03.2025)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
 
1. Công điện 22/CĐ-TTg -  Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong năm 2025
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 22/CĐ-TTg về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ban hành ngày 09/3/2025.
Tại Công điện 22/CĐ-TTg năm 2025 thì Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nhà ở xã hội, cho phép các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài được mua, thuê nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động theo đúng tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ngày 06/3/2025 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
 
2. Quyết định 562/QĐ-TTg - Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật lĩnh vực tài nguyên môi trường
Thủ tướng ban hành Quyết định 562/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực tài nguyên môi trường bao gồm: bí mật nhà nước độ Tối mật và bí mật nhà nước độ Mật, có hiệu lực từ ngày 10/3/2025 thay thế Quyết định 1660/QĐ-TTg năm 2020.
(1) Về tài nguyên nước:
- Văn bản xin chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên quan đến việc đàm phán thành lập, duy trì, phát triển các tổ chức lưu vực sông quốc tế có liên quan đến Việt Nam; đàm phán bảo vệ quyền lợi quốc gia trong hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước sông quốc tế;
- Tài liệu về mặt cắt, dòng chảy sông suối phục vụ cho việc hoạch định, cắm mốc biên giới trên sông, suối chưa công khai;
- Kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên nước trên sông, suối, nguồn nước biên giới quốc phòng, an ninh chưa công khai.
(2) Về môi trường:
- Văn bản xin chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên quan đến hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, hoạt động khắc phục sự cố môi trường trên biển chưa công khai;
- Phương án, nội dung đàm phán về hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam sau khi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê duyệt.
(3) Về khí tượng thủy văn:
- Văn bản xin chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công trình khí tượng thủy văn phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia;
- Tài liệu địa hình (trắc đồ ngang, trắc đồ dọc, bình đồ đoạn sông) và tốc độ dòng chảy thực đo tại các trạm thủy văn vùng cửa sông trong phạm vi 30 km tính từ biển vào đối với các sông thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; 50 km tính từ biển vào đối với các sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai, sông Cửu Long; 15 km tính từ biển vào đối với các sông khác trên hệ thống sông phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
(4) Về đo đạc và bản đồ:
- Số liệu của mạng lưới tọa độ quốc gia hạng II trở lên hoàn chỉnh phủ kín diện tích một đơn vị hành chính cấp tỉnh;
- Bản đồ kết quả điều tra, khảo sát về đường biên giới quốc gia phục vụ đàm phán hoạch định biên giới quốc gia chưa công khai.
(5) Về đất đai:
Nghị quyết, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bản đồ và các số liệu, tài liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, năng lượng quốc gia chưa công khai.
(6) Về biển và hải đảo:
- Văn bản xin chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc đàm phán bảo vệ quyền lợi quốc gia trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo chưa công khai;
- Số liệu, bản đồ, sơ đồ về trường sóng âm các vùng biển Việt Nam;
- Bản đồ về địa hình, địa chất, tài nguyên và môi trường các quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm có tỷ lệ lớn hơn 1:10.000 phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, đối ngoại chưa công khai;
- Tọa độ, trữ lượng và tài nguyên cấp 333 trở lên các mỏ khoáng sản biển sâu chưa công khai;
- Bản đồ Quy hoạch không gian biển quốc gia; bản đồ Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa công khai.
 
3. Chỉ thị 06/CT-TTg - Thúc đẩy các nước sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam
Thủ tướng ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo, ban hành ngày 10/3/2025.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan:
- Khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch hành động về cân bằng thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn, trong đó lưu ý tính chất bổ sung trong cơ cấu thương mại giữa Việt Nam với các nước thay vì cạnh tranh trực tiếp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12 tháng 3 năm 2025 để tổ chức triển khai ngay trong tháng 3 năm 2025.
- Tiếp tục khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, thúc đẩy xúc tiến thương mại; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng (Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Ấn Độ, Brazil…). Tiếp tục vận động, thúc đẩy các nước sớm dỡ bỏ các hạn chế, kiểm soát về xuất khẩu công nghệ cao; công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
- Nâng cao năng lực, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm giảm thiểu tác động từ các dòng đầu tư bên ngoài có dấu hiệu không lành mạnh, lẩn tránh thuế quan có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của nước ta; tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; bảo vệ và thực hiện nghiêm bảo vệ sở hữu trí tuệ, không vi phạm bản quyền.
Chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, thích ứng với các rào cản kỹ thuật mới của các đối tác xuất khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
 
4. Thông tư 05/2025/TT-BKHĐT - Điều kiện đề xuất đầu tư mới khu công nghiệp sinh thái
Ngày 24/01/2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 05/2025/TT-BKHĐT hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái, có hiệu lực từ ngày 15/3/2025.
Theo đó, điều kiện đề xuất đầu tư mới khu công nghiệp sinh thái như sau:
- Đề xuất dự án đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái bao gồm các nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 và điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định 35/2022/NĐ-CP.
- Các nội dung xem xét việc đáp ứng điều kiện của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định 35/2022/NĐ-CP gồm:
+ Dự kiến các ngành, nghề chính thu hút đầu tư vào khu công nghiệp được xác định theo quy hoạch xây dựng của khu công nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
+ Dự kiến mức phát thải cho các ngành, nghề chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được tính toán trên cơ sở hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) hoặc công cụ quốc tế có liên quan và hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính của các ngành, lĩnh vực do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
+ Dự kiến phương án cộng sinh công nghiệp được phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 05/2025/TT-BKHĐT.
+ Phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng nguyên vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu có thể được lập và thực hiện trên hệ thống quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 05/2025/TT-BKHĐT.
+ Phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh có thể được xây dựng theo Báo cáo trách nhiệm xã hội (CSR), Báo cáo môi trường, xã hội, quản trị (ESG) hoặc các báo cáo phát triển bền vững tương tự.
+ Cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái quy định tại Điều 37 Nghị định 35/2022/NĐ-CP trong vòng 08 năm kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập và xác định rõ lộ trình thực hiện.
 
5. Thông tư 59/2024/TT-NHNN - Nguyên tắc mua, bán giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng từ ngày 15/3/2025
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2021/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước, có hiệu lực từ ngày 15/3/2025.
Theo đó, việc mua, bán giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân theo các nguyên tắc sau:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, bán giấy tờ có giá khi quy định của pháp luật cho phép và được quy định tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp (sau đây gọi là Giấy phép) như sau:
+ Tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng quy định tại điểm b khoản này), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, bán chứng chỉ tiền gửi khi Giấy phép có nội dung mua, bán giấy tờ có giá khác; được mua, bán trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành trong nước khi Giấy phép có nội dung mua, bán trái phiếu doanh nghiệp;
+ Công ty tài chính chuyên ngành được mua, bán chứng chỉ tiền gửi khi Giấy phép có nội dung mua, bán chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành trong nước.
- Bên mua, Bên bán chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với quy định tại Thông tư 12/2021/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan.
- Đồng tiền thực hiện trong giao dịch mua, bán giấy tờ có giá là đồng Việt Nam.
- Giấy tờ có giá được mua, bán thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Bên bán và chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi; Bên bán có cam kết giấy tờ có giá không có tranh chấp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không trong tình trạng đang được chiết khấu, tái chiết khấu.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ công ty tài chính chuyên ngành) mua, bán trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành trong nước phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Nghị định của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các văn bản khác hướng dẫn Luật Chứng khoán, quy định của pháp luật có liên quan và quy định tại Thông tư 12/2021/TT-NHNN.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng. Thời hạn còn lại là khoảng thời gian được xác định từ ngày thanh toán tiền mua giấy tờ có giá quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 12/2021/TT-NHNN đến ngày đến hạn thanh toán hết gốc, lãi của giấy tờ có giá đó.
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi.
- Đối với giấy tờ có giá do công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành phát hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua, bán với tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
 
6. Nghị quyết 44/NQ-CP - Miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 12 nước từ ngày 15/3/2025
Ngày 07/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 44/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa I-ta-li-a, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na-uy và Cộng hòa Phần Lan, có hiệu lực từ ngày 15/3/2025.
Cụ thể, Việt Nam miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 12 nước sau đây:
(1) Cộng hòa Liên bang Đức
(2) Cộng hòa Pháp
(3) Cộng hòa I-ta-li-a
(4) Vương quốc Tây Ban Nha
(5) Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
(6) Liên bang Nga
(7) Nhật Bản
(8) Đại Hàn Dân Quốc
(9) Vương quốc Đan Mạch
(10) Vương quốc Thụy Điển
(11) Vương quốc Na-uy
(12) Cộng hòa Phần Lan
Miễn thị thực cho công dân các nước nêu trên với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa I-ta-li-a, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na-uy và Cộng hòa Phần Lan được thực hiện kể từ ngày 15/3/2025 đến hết ngày 14/3/2028 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đồng thời Nghị quyết 32/NQ-CP năm 2022 và Nghị quyết 128/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày 15/3/2025.