BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 12/2022

11:33 | 05/12/2023
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 12/2023
(TỪ NGÀY 21.11.2023 – 05.12.2023)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
 
1. Thông báo 5015/TB-LĐTBXH - Thông báo lịch nghỉ Tết Âm lịch năm 2024
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông báo 5015/TB-LĐTBXH về nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, có hiệu lực từ ngày 22/11/2023.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo để các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và những người sử dụng lao động khác thực hiện lịch nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh trong năm 2024 như sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nghỉ tết Âm lịch năm 2024 từ thứ Năm ngày 08/02/2024 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/02/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
- Đối với người lao động thuộc khu vực tư nhân, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn 01 ngày cuối năm Quý Mão và 04 ngày đầu năm Giáp Thìn hoặc 02 ngày cuối năm Quý Mão và 03 ngày đầu năm Giáp Thìn hoặc 03 ngày cuối năm Quý Mão và 02 ngày đầu năm Giáp Thìn.
 
2. Công điện 1177/CĐ-TTg - Tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản
Đây là nội dung tại Công điện 1177/CĐ-TTg ngày 23/11/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững, có hiệu lực từ ngày 23/11/2023.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh đầu tư công phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
- Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chỉ trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024.
Chủ động xây dựng kịch bản, đánh giá tác động và có phương án, biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; không để bị động, bất ngờ và tiêu cực đến phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.
- Theo dõi sát, đánh giá chính xác khả năng, phương án thanh toán của doanh nghiệp phát hành, nhất là các doanh nghiệp còn khó khăn và có thể có rủi ro về khả năng trả nợ để chủ động có biện pháp, giải pháp phù hợp theo thẩm quyền nhằm ổn định thị trưởng, yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên nguồn lực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ theo đúng quy định pháp luật hiện hành, có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để củng cố, tăng cường và khôi phục niềm tin nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh, bền vững.
- Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 08/2023/NĐ-CP và các văn bản có liên quan quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; đánh giá rõ sự cần thiết, đề xuất cụ thể phương án, cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời theo quy định của pháp luật theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản 3580/VPCP- KTTH, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.
- Khẩn trương phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tổng thể các quy định pháp luật có liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, xác định rõ sự cần thiết, đề xuất cụ thể phương án, nội dung của các văn bản quy phạm pháp cần sửa đổi, bổ sung, quyết định theo thẩm quyền và nếu vượt thẩm quyền thì trình cấp có thẩm quyền quyết định và kiến nghị phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời hạn hoàn thành cụ thể, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ ngay trong đầu tháng 12 năm 2023.
- Chủ động đẩy mạnh hơn nữa theo thẩm quyền việc quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách và các hoạt động không lành mạnh khác.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ, chia sẽ thông tin, giám sát liên thông, chủ động theo dõi, có giải pháp, biện pháp quản lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, toàn diện việc tuân thủ pháp luật, không để trục lợi, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm, vi phạm quy định pháp luật; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền; đảm bảo thị trường hoạt động đúng quy luật thị trường, lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững.
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan chú trọng thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là về tinh hình, định hướng phát triển của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường kiểm duyệt chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, hội nhóm, kênh thông tin xã hội tuyên truyền đưa tin xuyên tạc, không chính xác, gây kích động người dân; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
 
3. Thông tư 20/2023/TT-BKHCN - Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia sử dụng NSNN
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 20/2023/TT-BKHCN quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), có hiệu lực từ ngày 27/11/2023.
Theo đó, tổ chức và cá nhân chuẩn bị hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia sử dụng NSNN theo hướng dẫn và các Biểu mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 20/2023/TT-BKHCN, bao gồm:
-  Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của tổ chức theo quy định của pháp luật (Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức chủ trì, Điều lệ hoạt động của tổ chức chủ trì hoặc giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý khác).
- Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ (Biểu B1-1-ĐON).
- Thuyết minh đề tài (Biểu B1-2a-TMĐTCN hoặc Biểu B1-2b-TMĐTXH); thuyết minh dự án (Biểu B1-2c-TMDA); thuyết minh đề án (Biểu B1-2d-TMĐA).
- Tóm tắt hoạt động KHCN của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ (Biểu B1-3-LLTC).
- Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm có xác nhận của tổ chức quản lý nhân sự (Biểu B1-4-LLCN).
- Lý lịch khoa học của thành viên chính, thư ký khoa học (Biểu B1-4-LLCN).
Tài liệu này phải có xác nhận của tổ chức quản lý nhân sự trong trường hợp hồ sơ được Hội đồng tư vấn tuyển chọn kiến nghị trúng tuyển và nộp theo quy định tại khoản 12 Điều 11 Thông tư 20/2023/TT-BKHCN.
- Lý lịch khoa học chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài (trong trường hợp có chuyên gia tham gia thực hiện).
- Tóm tắt hoạt động KHCN và văn bản xác nhận về sự đồng ý của các tổ chức tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ (trong trường hợp có tổ chức tham gia phối hợp thực hiện) (Biểu B1-5-PHNC và Biểu B1-6-LLTCPHNC).
- Báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán hiện hành trong 02 năm gần nhất của tổ chức tham gia góp vốn.
- Đối với các nhiệm vụ có yêu cầu về vốn đối ứng cần phải có phương án huy động vốn đối ứng tương ứng với từng trường hợp cụ thể như sau:
+ Đối với trường hợp sử dụng nguồn vốn tự có: Hồ sơ chứng minh nguồn vốn và cam kết sử dụng nguồn vốn vào đối ứng thực hiện nhiệm vụ;
+ Đối với trường hợp huy động vốn từ các cá nhân/tổ chức hoặc huy động vốn góp của chủ sở hữu: văn bản cam kết và giấy tờ xác nhận về việc đóng góp vốn của các cá nhân/tổ chức/chủ sở hữu cho tổ chức chủ trì để thực hiện nhiệm vụ;
+ Đối với trường hợp vay vốn tổ chức tín dụng: Cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng để thực hiện nhiệm vụ.
- Báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm, dịch vụ cần thuê để thực hiện nhiệm vụ còn hiệu lực (thời gian báo giá không quá 90 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ).
Tài liệu này chỉ nộp trong trường hợp hồ sơ được Hội đồng tư vấn tuyển chọn kiến nghị trúng tuyển theo quy định tại khoản 12 Điều 11 Thông tư 20/2023/TT-BKHCN.
- Tài liệu liên quan khác trong trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thấy cần thiết bổ sung làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ hoặc đơn vị quản lý cần làm rõ thông tin trong quá trình tuyển chọn, giao trực tiếp.
- Tài liệu, văn bản quy định tại khoản 9 và khoản 10 Điều 5 Thông tư 20/2023/TT-BKHCN chỉ áp dụng cho các nhiệm vụ có yêu cầu vốn đối ứng ngoài NSNN.
- Các tài liệu quy định tại Điều 5 Thông tư 20/2023/TT-BKHCN là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực theo quy định hiện hành.
Trong trường hợp các hồ sơ có trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ KHCN quốc gia, tổ chức và cá nhân tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ có trách nhiệm bảo đảm thông tin trên hệ thống được cập nhật và cung cấp mã số hồ sơ cho đơn vị quản lý chuyên môn.
 
4. Quyết định 1191/QĐ-BXD - Không sử dụng NSNN tổ chức thi sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
Nội dung đề cập tại Quyết định 1191/QĐ-BXD quy định về chi phí sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, có hiệu lực từ ngày 28/11/2023.
Theo đó, ban hành Quy định về chi phí sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Quy định nêu rõ: Không sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức thi sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Về mức thu chi phí sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng:
- Mức thu chi phí sát hạch được tính theo bài thi sát hạch của cá nhân và được xác định như sau: 350.000đ/bài thi.
- Ngoài chi phí sát hạch nêu trên, tổ chức xã hội nghề nghiệp được công nhận đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề tự xây dựng mức thu chi phí phục vụ đánh giá hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của cá nhân tham dự sát hạch nhưng không vượt quá mức lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo quy định của Bộ Tài chính và thực hiện niêm yết công khai theo quy định.
 
5. Nghị quyết 203/NQ-CP - Chỉnh lý các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Chính phủ ban hành Nghị quyết 203/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2023, trong đó có việc chỉnh lý, hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, có hiệu lực từ ngày 01/12/2023.
Cụ thể, Chính phủ cơ bản thống nhất với các Chính sách 01, 02, 03 và 05 trong Đề nghị xây dựng Luật như đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ; không thống nhất với Chính sách 04; yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chỉnh lý, hoàn thiện các chính sách, cụ thể:
(1) Chính sách 01: Sửa đổi quy định về xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát quy định các nội dung về:
(i) Tiêu chí xác định sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro cao và sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro trung bình, thấp;
(ii) Làm rõ các thủ tục hành chính được cắt giảm đối với giải pháp thực hiện chính sách về hậu kiểm;
(iii) Làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2; phân cấp quản lý, bảo đảm quy định rõ trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm tra, quản lý, xây dựng và phê duyệt danh mục hàng hóa nhóm 2.
(2) Chính sách 02: Ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.
Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, nghiên cứu quy định bao quát các loại ứng dụng công nghệ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.
(3) Chính sách 03: Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế và phù hợp thông lệ quốc tế.
Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ về nội dung bắt buộc thực hiện theo các Điều ước quốc tế, nội dung Điều ước quốc tế khuyến khích các nước thực hiện và những nội dung được bảo lưu để xác định giải pháp thực hiện chính sách đó, đồng thời chỉnh lý tên gọi chính sách cho phù hợp với nội dung chính sách tại Đề nghị xây dựng Luật.
(4) Chính sách 04: Tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm soát viên chất lượng.
Bộ Khoa học và Công nghệ không quy định các nội dung về tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị quyết 39-NQ/TW năm 2015, Nghị quyết 56/2017/QH14 và Quyết định 2218/QĐ-TTg năm 2015.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nội vụ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật theo thẩm quyền.
(5) Chính sách 05: Tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình hiện nay.
Bộ Khoa học và Công nghệ quy định rõ nội dung về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để thực hiện Nghị quyết 04/NQ-CP năm 2022.
 
6. Quyết định 11/2023/QĐ-TTg - Một số giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Một số giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước là nội dung nổi bật tại Quyết định 11/2023/QĐ-TTg  quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có hiệu lực ngày 01/12/2023 và thay thế Quyết định 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 thì mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Theo đó, từ ngày 01/12/2023, các đối tượng báo cáo khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn từ 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
(Trước ngày 01/12/2023, theo Quyết định 20/2013/QĐ-TTg, mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước là 300 triệu đồng).
Các đối tượng được áp dụng quy định này là các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.
 
7. Nghị định 75/2023/NĐ-CP - sửa Nghị định hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế 
Chính phủ ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế 2008, có hiệu lực từ ngày 03/12/2023.
Trong đó, có nhiều điểm mới nổi bật đơn cử như:
- Bổ sung thêm các đối tượng mới vào nhóm được cấp thẻ BHYT miễn phí do ngân sách nhà nước đóng là:
Người dân thuộc các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Trong đó, đối tượng này không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008.
- Sửa đổi quy định về 02 đối tượng thuộc nhóm tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng bao gồm:
+ Người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội.
+ Người thuộc hộ gia đình nghèo theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Xem thêm nội dung tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 03/12/2023.
Quy định tại khoản 1, các điểm a và b khoản 2, các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP được áp dụng từ ngày 19/10/2023.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho đối tượng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP trong thời gian 36 (ba mươi sáu) tháng kể từ ngày 01/11/2023.
Quy định tại khoản 8 Điều 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định 75/2023/NĐ-CP được áp dụng từ ngày 01/01/2019.
Việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ ngày 01/01/2019 thực hiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31 và khoản 2 Điều 32 Luật Bảo hiểm y tế 2008 và quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023.
 
8. Quyết định 1697/QĐ-BHXH - Bổ sung mã đối tượng trên thẻ BHYT của nhóm do NSNN đóng
Đây là nội dung được đề cập tại Quyết định 1697/QĐ-BHXH sửa đổi mã số ghi trên thẻ bảo hiểm y tế tại Quyết định 1351/QĐ-BHXH năm 2015 do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 03/12/2023.
Theo đó, Quyết định 1697/QĐ-BHXH sẽ bổ sung thêm ba mã đối tượng sau đây trên thẻ BHYT của nhóm do NSNN từ ngày 03/12/2023:
- ND: Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.
- TG: Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại tiết a khoản 10 Điều 16 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020;
- AK: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú (mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008).