Bản tin pháp luật số 01 - tháng 03/2018

09:54 | 16/03/2018

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 03/2018

1. Thay đổi hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu

Nghị định 31/2018/NĐ-CP được ban hành vào ngày 08/03/2018, quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Theo đó, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 31.

- Hồ sơ theo quy định mới bổ sung thêm các giấy tờ sau:

+ Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo mẫu;

+ Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ được sản xuất trong nước theo mẫu;

+ Bản sao quy trình sản xuất hàng hóa (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);

- Bên cạnh đó, vẫn giữ nguyên các giấy tờ, hồ sơ theo quy định trước đó, đơn cử như:

+ Đơn đề nghị cấp C/O (đã thay thế bằng Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định 31);

+  Mẫu C/O tương ứng đã được khai hoàn chỉnh; …

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 08/3/2018, thay thế Nghị định 19/2006/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của nghị định này.

2. Dự án phục vụ nhân dân được xem xét cấp tín dụng vượt giới hạn

Ngày 06/03/2018, Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 13/2018/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.Theo đó, điều kiện xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn là khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án, như:

- Triển khai các dự án, phương án phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng,…

- Triển khai các chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

- Đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ.

Và mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan được xác định theo công thức:   MCTCTĐ = DN + CC + ĐN

Trong đó:

- MCTCTĐ là mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn;

- DN là tổng mức dư nợ cấp tín dụng tại thời điểm báo cáo;

- CC là tổng số tiền còn được cấp theo hợp đồng tín dụng đã ký;

- ĐN là số tiền đề nghị cấp tín dụng mới được chấp thuận.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/5/2018.

3. Hướng dẫn về nghiệp vụ kế toán liên quan tới chứng quyền

Ngày 12/03/2018, Thông tư 23/2018/TT-BTC được ban hành để hướng dẫn kế toán chứng quyền có bảo đảm đối với công ty chứng khoán là tổ chức phát hành (“Thông Tư 23”).

Cụ thể, Thông Tư 23 có đề cập đến một số tài khoản hạch toán nghiệp vụ kế toán liên quan đến chứng quyền như sau:

- Tài khoản 329 - Phải trả chứng quyền: Tài khoản này dùng để phản ánh số phải trả chứng quyền hiện có và tình hình biến động của tài khoản phải trả chứng quyền do đánh giá lại chứng quyền theo giá thị trường;

- Mở tài khoản chi tiết của Tài khoản 112 - Tiền gửi ngân hàng để theo dõi tiền bảo đảm thanh toán tại ngân hàng lưu ký trước khi chào bán chứng quyền, tiền gửi tại tài khoản phong tỏa (tiền bán chứng quyền khi phân phối trên thị trường sơ cấp) và tiền gửi tại tài khoản tự doanh (để thực hiện phòng ngừa rủi ro theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán);

- Tài khoản 018 - Chứng quyền (mở chi tiết theo từng loại chứng quyền).

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày: 27/4/2018

4. Tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập (“Nghị Định 41”), được ban hành vào ngày 12/03/2018. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là:

- 50.000.000 đồng đối với cá nhân;

- 100.000.000 đồng đối với tổ chức.

- Mức phạt tiền quy định tại Khoản 1 Điều 7; 8; 9; 10; 11; 13; 14; 15; 16; 17; 19; Khoản 1, 3 Điều 21; 22; Điều 23; 24; 26; 33; 34; Khoản 1, 3 Điều 36; Khoản 1 Điều 38; Khoản 2, 3 Điều 39; Khoản 1, 2 Điều 48; Khoản 1 Điều 57; Khoản 1, 2 Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Trừ các trường hợp trên, mức phạt tiền quy định tại Chương này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.

Bên cạnh đó, Nghị Định 41 quy định những trường hợp doanh nghiệp lập không đầy đủ các báo cáo tài chính sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, nghị định này cũng thay đổi mức phạt đối với tổ chức khi thực hiện các hành vi vi phạm trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính như sau:

- Không lập báo cáo tài chính theo quy định: phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu.

- Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật: phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu.

- Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính: phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/05/2018 và thay thế Nghị định 105/2013/NĐ-CP ngày 16/9/2013.

5. Thay đổi về đầu tư vốn nhà nước

Ngày 08/03/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (“Nghị Định 32”). Theo đó, Nghị Định 32 có những điểm đáng chú ý về phạm vi đầu tư sau:

- Chủ sở hữu đối với vốn nhà nước hoặc vốn của doanh nghiệp nhà nước (“DNNN”) là cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc DNNN có vốn đầu tư chuyển nhượng.

- DNNN không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản.

- Bổ sung và loại bỏ một số hoạt động của doanh nghiệp được Nhà nước đầu tư vốn trong các một số ngành, lĩnh vực mới được quy định tại Điều 5 tại Nghị Định 32.

- Quy định chi tiết hơn về Chuyển nhượng vốn đầu tư của DNNN tại Điều 12; 13 và Quyền, trách nhiệm, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn nhà nước tại Điều 14.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2018.