Bản tin pháp luật số 2 - tháng 11/2014

08:54 | 11/12/2014

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 2 – THÁNG 11/2014

 

1. Điều kiện vay vốn mua nhà ở thương mại

Theo Thông tư 17/2014/TT-BXD, đối tượng được vay vốn mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán đã bao gồm thuế VAT (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhưng diện tích quá chật chội.

- Có hộ khẩu tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở; trường hợp tạm trú thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ 01 năm trở lên và có giấy xác nhận của cơ quan bảo hiểm. 

- Có hợp đồng mua nhà ở thương mại đã ký với chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25/11/2014.

2. Được chuyển mục đích nhà ở thương mại đến hết 2015

Ngày 26/11/2014, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 18/2014/TT-BXD gia hạn hiệu lực Thông tư 02/2013/TT-BXD đến hết ngày 31/12/2015.

Như vậy, trong năm 2015, các dự án nhà ở thương mại vẫn được phép chuyển thành nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ nếu chưa được triển khai hoặc không phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thông tư 18 có hiệu lực từ ngày 31/12/2014.

 

3. Mở rộng quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở

Từ ngày 25/11/2014, thời hạn áp dụng mức lãi suất ưu đãi đối với mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở thương mại sẽ được nâng lên đến 15 năm nhưng không vượt quá thời điểm 01/06/2031 (trước đây là 10 năm, không vượt quá thời điểm 01/06/2023).

Ngoài ra, mức cho vay tối đa đối với trường hợp xây dựng mới, sửa chữa lại nhà ở là 700 triệu đồng/khách và thời hạn áp dụng mức lãi suất ưu đãi là 10 năm nhưng không vượt quá thời điểm 01/06/2026 (trước đây chưa quy định).

Nội dung trên được quy định tại Thông tư 32/2014/TT-NHNN, sửa đổi Thông tư 11/2013/TT-NHNN về cho vay hỗ trợ nhà ở. 

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định rõ mức vốn tối thiểu của khách hàng tham gia vào dự án, phương án vay hỗ trợ nhà ở là:

- 20% giá trị phương án vay đối với mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại;

- 30% chi phí xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở;

- 30% tổng mức đầu tư đối với cải tạo, xây dựng mới nhà ở xã hội và khách hàng là doanh nghiệp.

 

4. Giá đất ở cao nhất là 162 triệu đồng/m2 

Từ ngày 29/12/2014, khung giá đất sẽ chính thức được áp dụng theo quy định tại Nghị định 104/2014/NĐ-CP. Theo đó, khung giá đất gồm 02 nhóm đất: 

- Nhóm đất nông nghiệp: đất trồng cây hàng năm, lâu năm, rừng sản xuất, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

- Nhóm đất phi nông nghiệp: đất ở tại nông thôn, đô thị; đất thương mại – dịch vụ tại nông thôn, đô thị; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại – dịch vụ tại nông thôn, đô thị.

Trong đó, giá đất rừng sản xuất Vùng duyên hải Nam Trung bộ tối thiểu là 1.000đ/m2 (thấp nhất trong tất cả khung giá đất); giá đất ở tại đô thị tại Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Đông Nam bộ tối đa là 162 triệu đồng/m2 (cao nhất trong tất cả khung giá đất).

Khung giá đất này được sử dụng làm căn cứ để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương mình.

 

5. Bảo dưỡng ô tô 6 tháng/lần

Từ 01/12/2014, Thông tư 53/2014/TT-BGTVT quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, chu kỳ bảo dưỡng định kỳ được quy định như sau:

Ô tô con đi từ 5.000 - 10.000 km hoặc thời gian từ 6 tháng.

Ô tô chở người, ô tô chở người chuyên dùng từ 10 chỗ trở lên đi từ 4.000 - 8.000 km hoặc thời gian từ 3 - 6 tháng. 

Ô tô tải, ô tô tải chuyên dùng; rơmoóc, sơmi rơmoóc các loại; ô tô chuyên dùng đi từ 4.000 - 8.000 km hoặc thời gian từ 3 - 6 tháng.

Thông tư này thay thế Quyết định 992/2003/QĐ-BGTVT.

Các tin khác