(Hà nội mới) Hội thảo quốc tế về phát triển kỹ năng nghề tại Hà Nội

08:18 | 27/10/2014

(HNMO) – Ngày 25-10, Hội thảo Xây dựng đối tác quốc tế trong phát triển kỹ năng (Bringing the Learning Home) đã khai mạc tại Hà Nộivới sự tham dự của 190 đại biểu đến từ 16 quốc gia trên thế giới.

Đây là sự kiện do Hội đồng Anh phối hợp với Microsoft và Viglacera tổ chức.Diễn ra trong 2 ngày, hội thảo lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay đặt trọng tâm vào việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác đối tác trong lĩnh vực phát triển kỹ năng. Đó là mối quan hệ hợp tác đa chiều – từ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo kỹ năng tại các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, hợp tác ba bên giữa chính phủ, nhà trường và doanh nghiệp.





Với trọng tâm này, Bringing the Learning Home thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Microsoft, Rolls-Royce Việt Nam, Intel Việt Nam, Ford Motors Nam Phi, IDG Ventures Việt Nam, Viglacera. Đại diện từ các tổ chức kỹ năng nghề hàng đầu Vương quốc Anh và khu vực như People 1st, ProSkills UK, SEAMEO VOCTECH (Tổ chức nâng cao chất lượng quản lý đào tạo nghề khu vực ASEAN) tham dự và nói về vai trò của những tổ chức này trong việc nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, đông đảo các cơ sở dạy nghề trong nước và quốc tế cũng như các nhà hoạch định chính sách mang lại những ý tưởng mới trong lĩnh vực đào tạo nghề đóng góp những góc nhìn và chia sẻ cho thấy bức tranh lớn của trong lĩnh vực phát triển kỹ năng nghề nghiệp trên toàn thế giới.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Viglacera và Ngài Jonathan Ledger – Giám đốc điều hành Proskills UK Group – Vương Quốc Anh giới thiệu về hợp tác đào tạo giữa hai bên

 

Hội đồng Anh khẳng định xây dựng quan hệ hợp tác đối tác quốc tế là yếu tố then chốt giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu của nhà tuyển dụng về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp và sản phẩm đầu ra của các cơ sở đào tạo. Cũng thông qua quan hệ hợp tác đó, những quốc gia đang phát triển có thể rút ngắn thời gian thực hiện những đổi mới về nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo thông qua việc học tập và tiếp thu những mô hình tiên tiến nhất trên thế giới.

Bringing the Learning Home diễn ra đúng dịp Việt Nam đăng cai Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 tại Hà Nội với sự tham dự của 300 thí sinh đến từ các quốc gia ASEAN.

 
Phát biểu khai mạc, bà Cherry Gough, Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh Việt Nam cho biết: “Phát triển kỹ năng nghề nghiệp là điều cần thiết với mỗi người trẻ để có thể thành công trong thị trường tuyển dụng cạnh tranh ngày càng cao hiện nay và đó cũng là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm sự thịnh vượng và an ninh của một quốc gia trong thế kỷ 21. Những chia sẻ về kinh nghiệm hợp tác quốc tế tại Vương quốc Anh và các quốc gia khác mở ra cơ hội xây dựng những mối quan hệ hợp tác quốc tế mới để tăng cường khả năng tuyển dụng của thanh niên trong lĩnh vực đào tạo nghề tại Việt Nam, Vương quốc Anh và trên toàn thế giới”.


Phó Giáo sư – Tiến sỹ Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề phát biểu: “Các nền kinh tế trên thế giới hiện nay đang phải đối mặt với vấn đề mất cân bằng trong cung - cầu lao động có kỹ năng. Tại Việt Nam, thách thức này còn rõ ràng hơn khi tỷ lệ dân số trẻ và trong độ tuổi lao động rất cao nhưng lại hạn chế về kỹ năng nghề và năng suất lao động. Và công tác đào tạo, đánh giá và công nhận kỹ năng nghề được xác định là mục tiêu ưu tiên trong các chiến lược quốc gia về phát triển nhân lực, phát triển giáo dục và dạy nghề giai đoạn 2011-2020. Trong bối cảnh này, hội thảo mang lại cơ hội quý để các đối tác, các bên liên quan gặp gỡ, thảo luận hướng tới những hợp tác hiệu quả, bền vững về dạy nghề và phát triển kỹ năng trong tương lai”.


Đặc biệt, tại hội thảo đã công bố Quỹ hỗ trợ xây dựng đối tác quốc tế trong phát triển kỹ năng toàn cầu với số lượng đối tác lớn nhất từ trước tới nay. Quỹ này sẽ mở ra cơ hội xây dựng hợp tác đối tác với 14 đối tác mới tại Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Jordan, Libya, Myanmar, Pakistan, Nam Phi, Tunisia, Việt Nam và Yemen.

Quỳnh Chi

Các tin khác