Viglacera đã tiết lộ gì trong kỳ Đại hội cổ đông?

18:05 | 26/04/2017

(Lao động) - Ngày 25.4 tại Hà Nội, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã CK: VGC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2017. Những câu hỏi về kết quả hoạt động SXKD năm gần đây như thế nào? Sắp tới Viglacera sẽ đầu tư vào những dự án có tiềm năng không? Viglacera sẽ chào bán cổ phiếu (CP) với giá khởi điểm là bao nhiêu, mức chi trả cổ tức như thế nào... là những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cổ đông với doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và bất động sản này.

Cụ thể, Viglacera đã trình ĐHCĐ theo phương thức lấy ý kiến bằng văn bản về việc thông qua phương án phát hành 120.000.000 CP chào bán rộng rãi ra công chúng, qua đó tăng vốn điều lệ từ 3.070 tỉ đồng lên 4.270 tỉ đồng. Với giá khởi điểm là 12.200 đồng/cổ phần, VGC dự kiến sẽ thu về 1.464 tỉ đồng sau khi hoàn tất đợt phát hành số tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư vào các dự án trọng điểm thuộc 2 lĩnh vực chính là vật liệu xây dựng và bất động sản. Bên cạnh đó là việc triển khai phương án phát hành chứng khoán rộng rãi ra công chúng nhằm giảm tỉ lệ sở hữu vốn Nhà nước xuông 53,6% tiến tới giảm xuống dưới 51% đúng theo lộ trình đã được phê duyệt.

VGC sẽ dùng 692 tỉ đồng đầu tư vào Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Yên Phong mở rộng tại tỉnh Bắc Ninh; 292 tỉ đồng đầu tư xây dựng Nhà máy Sứ Viglacera Mỹ Xuân tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, 310 tỉ đồng Đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; 154 tỉ đồng vào dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tần KCN Đồng Văn IV GĐ 1 – Hà Nam; còn lại 16 tỉ đồng bổ sung vốn lưu động cho TổngCcông ty.

Điểm đáng chú ý nhất trong tờ trình lần này là mức giá khởi điểm chào bán. HĐQT Viglacera đề xuất mức giá khởi điểm 12.200 đồng/CP. Đây là mức giá sổ sách được làm tròn từ cách tính lấy nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ vào thời điểm 30.09.2016 chia cho tổng số 307 triệu cổ phần đang lưu hành.

Khi nhận được thông tin, nhiều nhà đầu tư đã thắc mắc vì sao Công ty không phát hành cho cổ đông hiện hữu trước khi chào bán ra bên ngoài? Hơn nữa, việc lấy giá khởi điểm bằng với giá trị sổ sách tính theo vốn chủ sở hữu Công ty mẹ phải chăng là thiếu hợp lý và vô tình làm giảm giá trị thu được từ việc chào bán?

Bởi lẽ, tại thời điểm 30.09.2016, vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ chỉ ở mức 3.724 tỉ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của VGC theo báo cáo hợp nhất tại thời điểm 31.12.2016 là 4.339 tỉ đồng, cao hơn 615 tỉ đồng so với con số mà HĐQT đưa ra. Đồng nghĩa với giá trị sổ sách sẽ cao hơn so với mức giá mà VGC đưa ra.

Mặt khác, vị thế lúc này của VGC cũng đã hoàn toàn khác hẳn với những năm trước. Kết quả kinh doanh của VGC đã có những chuyển biến rất tích cực trong năm kể từ khi doanh nghiệp này tiến hành Cổ phần hóa cuối năm 2013.

Báo cáo cho thấy, năm 2016, Viglacera đạt kết quả kinh doanh khả quan với 768,7 tỉ đồng tăng 46% so với năm 2015, vượt 37% so với kế hoạch ĐHCĐ thông qua. Lợi nhuận đạt 440,8 tỉ đồng tăng 79% và vượt 57% so với kế hoạch. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.826 đồng tăng 47,3%, mức chia cổ tức dự kiến 9,5% (ĐHCĐ năm ngoái đề ra là 7%).

Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Viglacera trình Đại hội nhiều quyết sách quan trọng cho năm 2017. Trong đó có phương án phân phối lợi nhuận 2016. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế sau khi trích lập các quỹ còn lại là hơn 405 tỉ đồng, phương án phân phối là chia cổ tức 9,5%. Kế hoạch kinh doanh năm 2017, với tổng doanh thu 8000 tỉ, lợi nhuận 844 tỉ tăng 10%. Kế hoạch cổ tức năm 2017 dự kiến 9%.

Theo ông Luyện Công Minh - Chủ tịch HĐQT cho biết, năm 2017 Viglacera sẽ đầu tư vào nhiều nhà máy sản xuất kính nổi siêu trắng, nhà máy sứ, nhà máy vôi công nghiệp và đầu tư mạnh ra nước ngoài. Cụ thể, Viglacera sẽ đầu tư vào lĩnh vực vật liệu xây dựng và đầu tư vào lĩnh vực khách sạn tại Cuba.

 Link: http://laodong.com.vn

Các tin khác