Bản tin pháp luật số 1 - tháng 03/2017

14:51 | 16/03/2017

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 1 – THÁNG 3/2017

1. Quy định mới về khấu trừ thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu

Ngày 06/3/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 20/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 8 của Thông tư 195/2015/TT-BTC về thuế tiêu thụ đặc biệt (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 130/2016/TT-BTC).

Theo đó, có điểm mới đáng chú ý về việc khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bán ra trong nước.

Cụ thể, đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt không được khấu trừ thuế, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hiện nay, vấn đề này được quy định như sau: “Trường hợp đặc biệt đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt không được khấu trừ hết do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Thông tư 20/2017/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2017.

2. Phân bổ lại thời gian làm việc của giáo viên dạy nghề

Đây là quy định nổi bật tại Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH về chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH ban hành ngày 10/3/2017.

Theo đó, thời gian làm việc của nhà giáo dạy cao đẳng/trung cấp nghề giữ nguyên là 44 tuần/năm theo chế độ tuần làm việc 40 giờ, tuy nhiên phân bổ lại thời gian làm việc cụ thể như sau:

- Thực hiện công tác giảng dạy/giáo dục học viên/học sinh/sinh viên:

+ 32 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng;

+ 36 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp.

- Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa/nâng cao, nghiên cứu khoa học:

+ 08 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng thay vì 12 tuần như trước đây;

+ 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp thay vì 08 tuần như trước đây.

- Thực tập tại doanh nghiệp/cơ quan chuyên môn: 04 tuần.

Trường hợp không sử dụng hết thời gian học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học thì được quy đổi thời gian còn lại chuyển sang công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng/Giám đốc giao.

Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/7/2017; bãi bỏ Mục II Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH và Chương III Thông tư 40/2015/TT-BLĐTBXH.

3. Trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải thương mại

Ngày 24/02/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.

Theo đó, trình tự, thủ tục tiến hành giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được quy định như sau:

- Khi tiến hành hòa giải, các bên có thể tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải hoặc lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại.

- Nếu các bên không thỏa thuận thì hòa giải viên thương mại thực hiện theo trình tự, thủ tục mà họ thấy phù hợp với vụ việc, nguyện vọng và được các bên đồng ý.

- Việc hòa giải có thể được tiến hành bởi một hoặc nhiều hòa giải viên do các bên thỏa thuận.

- Hòa giải viên thương mại có quyền đưa ra đề xuất giải quyết tranh chấp ở bất kỳ thời điểm nào của quá trình hòa giải.

- Các bên có thể thỏa thuận về thời gian, địa điểm hòa giải; nếu không thỏa thuận thì hòa giải viên thương mại sẽ là người lựa chọn.

Nghị định 22/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2017.

4. Hướng dẫn xác định các bên trong giao dịch liên kết

Ngày 24/02/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (GDLK).

Trong đó, GDLK được hiểu là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình SX-KD như: mua, bán, trao đổi máy móc thiết bị; vay, cho vay công cụ tài chính; hợp tác khai thác sử dụng nhân lực...

Các bên có quan hệ liên kết trong GDLK được xác định nếu thuộc một trong các trường hợp:

- Một bên tham gia trực tiếp/gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;

- Các bên trực tiếp/gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

Đơn cử như:

- Một DN nắm giữ trực tiếp/gián tiếp ít nhất 25% vốn góp chủ sở hữu của DN kia;

- Cả hai DN đều có ít nhất 25% vốn góp chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp/gián tiếp;

- Một DN là cổ đông lớn nhất về vốn góp chủ sở hữu của DN kia, nắm giữ trực tiếp/gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của DN kia...

Xem thêm chi tiết tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2017.