Bản tin pháp luật số 1 - tháng 12/2016

16:50 | 28/12/2016

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 1 – THÁNG 12/2016

1. Bộ Tài chính yêu cầu sửa 76 văn bản kiểm tra chuyên ngành

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ kiến nghị sửa đổi, bổ sung 76 văn bản quy phạm phát luật liên quan đến hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho hay, thực hiện Nghị quyết 19 và Quyết định số 2026 của Thủ tướng về cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Bộ Tài chính nhận định hoạt động quản lý chuyên ngành của các bộ, ban ngành thời gian qua còn nhiều vướng mắc phát sinh, chồng chéo cần được sửa đổi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hàng hóa thông quan nhanh chóng.

Theo đó, Bộ Tài chính nêu rõ thực trạng hiện nhiều bộ quản lý cùng một sản phẩm, nhiều kiểm tra chuyên ngành một sản phẩm, hàng hóa có nội dung như nhau nhưng tồn tại ở nhiều bộ, cơ quan ngang bộ. Thời gian kiểm tra quản lý chuyên ngành kéo dài, cản trở cho thủ tục thông quan, thoát lưu dòng hàng hóa.

Theo yêu cầu và kiến nghị của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương là hai cơ quan có số văn bản kiểm tra chuyên ngành bị yêu cầu sửa đổi nhiều nhất lần lượt là 28 và 12 văn bản.

Bên cạnh yêu cầu các Bộ, ban ngành sửa đổi các văn bản kiểm tra trong quyền hạn của mình, Bộ Tài chính cũng yêu cầu duy trì hoạt động của 10 điểm kiểm tra chuyên ngành chung của Hệ thống một cửa quốc gia nhằm kiểm tra chuyên ngành tập trung, nhanh gọn cho DN.

Trên thực tế, hoạt động kiểm tra chuyên ngành là thủ tục hành chính được thực hiện bởi các Bộ, ban ngành đối với hàng hóa trong lĩnh vực quản lý riêng. Việc này đã và đang được thực hiện góp phần quản lý chuyên môn về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu hoặc xuất khẩu...

Tuy nhiên, quy định kiểm tra chuyên ngành hiện cũng phát sinh nhiều vấn đề trong đó là tăng thời gian thông quan, lưu kho bãi của nhiều hàng hóa không nhất thiết phải kiểm tra chuyên ngành. Nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành chồng chéo với quy định kiểm tra của các cơ quan hải quan, quản lý xuất nhập khẩu dẫn đến kiểm tra nhiều lần. Hiện tượng tiền kiểm phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, tạo cơ chế xin cho, cản trở chủ trương giảm thời gian thông quan hải quan, chi phí cho DN của Chính phủ - một trong những tiêu chí để cải thiện năng lực sản xuất và môi trường kinh doanh.

 

2. Các nội dung hoạt động thông tin cơ sở

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 52/2016/QĐ-TTg về quy chế hoạt động thông tin cơ sở. Theo đó nội dung hoạt động thông tin cơ sở bao gồm:

- Cung cấp thông tin chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin những sự kiện quốc tế và trong nước liên quan trực tiếp đến người dân địa phương;

- Cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của người dân địa phương gồm:

+ Thông tin về các dự án, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương;

+ Thông tin về trật tự, an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương;

+ Thông tin về sự cố, các tình huống khẩn cấp xảy ra ở địa phương hoặc ảnh hưởng đến địa phương;

+ Thông tin về các tấm gương tập thể, cá nhân điển hình…

- Cung cấp các thông tin phục vụ nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương.

Ngoài ra hoạt động thông tin cơ sở còn phải đảm bảo tuân thủ đường lối của Đảng, pháp luật, phù hợp với phong tục địa phương, phải kịp thời, chính xác đến với người dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Quyết định 52/2016/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/02/2017.

 

3. Thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

Ngày 22/11/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo đó:

- Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày.

- Việc thí điểm cấp thị thực điện tử áp dụng đối với công dân của nước có đủ các điều kiện sau:

+ Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;

+ Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ;

+ Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

- Danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử do Chính phủ quy định.

- Người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng và không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp.

Việc thí điểm cấp thị thực điện tử theo Nghị quyết 30/2016/QH14 được thực hiện trong thời hạn 02 năm kể từ ngày 01/02/2017.