Bản tin pháp luật số 1 - tháng 08/2017

07:51 | 30/08/2017

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 1 – THÁNG 8/2017

1. Thí điểm nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 từ 16/10/2017

Ngày 08/8/2017, Tổng cục Hải quan (TCHQ) ban hành Công văn 5273/TCHQ-TXNK về triển khai Đề án “Nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7”.

Theo đó, thông báo đến các ngân hàng thương mại phối hợp thu kế hoạch triển khai thí điểm Đề án sẽ bắt đầu từ ngày 16/10/2017.

Để việc thí điểm được diễn ra tốt đẹp, trước đó, TCHQ cũng dự kiến sẽ tiến hành phối hợp với các ngân hàng triển khai các công tác chuẩn bị sau:

- Trước ngày 30/9/2017 sẽ hoàn thành:

+ Nâng cấp Cổng thanh toán điện tử hải quan, xây dựng các chức năng người nộp thuế, chức năng kê khai, lập giấy nộp tiền trên Cổng thanh toán điện tử;

+ Xây dựng quy trình trao đổi thông tin giữa TCHQ với các ngân hàng phối hợp thu.

- Từ ngày 01 đến 15/10/2017: kiểm tra hệ thống trao đổi thông tin giữa TCHQ với các ngân hàng phối hợp thu.

- Từ ngày 03 đến 10/10/2017: tổ chức hội nghị tập huấn các đối tượng là người nộp thuế, cán bộ ngân hàng phối hợp thu, cán bộ hải quan, chia làm 3 hội nghị tại 3 miền Bắc – Trung – Nam.

Ngoài ra, Công văn 5273/TCHQ-TXNK còn ban hành kèm theo danh sách 36 ngân hàng phối hợp thu.

2. Hướng dẫn mới về việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT

Ngày 08/8/2017, BHXH Việt Nam ban hành Công văn 3340/BHXH-ST hướng dẫn về việc cấp sổ BHXH và thẻ BHYT theo mã số BHXH. Theo đó:

- Thay thế cụm từ “Số sổ:” in trên bìa và tờ rời của sổ BHXH bằng cụm từ “Mã số:”.

Ví dụ: bìa và tờ rời sổ BHXH trước đây in “Số sổ: 0118000001”, nay được in là “Mã số: 0118000001”.

- Sổ BHXH được cấp mới, cấp lại theo mẫu mới từ ngày 01/8/2017.

- Sổ BHXH đã cấp mà chưa được đổi, cấp lại theo mẫu mới vẫn có giá trị sử dụng đến khi được đổi, cấp lại.

Ngoài ra, Công văn 3340/BHXH-ST cũng hướng dẫn về việc cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH.

BHXH Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW thông tin tới các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn, đơn vị quản lý người tham gia và các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện đúng nội dung trên.

3. Sắp tới, giảm hàng loạt chi phí cho doanh nghiệp

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị quyết 75/NQ-CP đã được Chính phủ thông qua về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.

Theo đó, với mục tiêu cắt giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (DN), Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ban ngành thực hiện các nội dung sau:

- UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa TTHC nhằm giảm mức thu phí gắn với hoạt động chuyên môn có liên quan trực tiếp tới chi phí DN;

- BCT, BGTVT, BNN&PTNT và BYT cắt giảm thủ tục thanh tra với mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống 15%;

- Bộ KH&CN loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng thuộc nhóm 2 thuộc diện kiểm tra trước khi thông quan của 12 bộ chuyên ngành trước 6/2018;

- Bộ Công thương có giải pháp giảm chi phí Logistic đến 2018 là 25%/GDP, đến 2020 xuống 20%/GDP;

- NHNN đẩy mạnh đề án không dùng tiền mặt theo Quyết định 2545/QĐ-TTg để minh bạch hóa giao dịch thanh toán của DN;

- BYT, BHXH trước mắt chưa nâng mức đóng BHYT để không tăng chi phí cho DN.

Xem thêm chi tiết tại Nghị quyết 75/NQ-CP ngày 09/8/2017.

4. Tăng cường tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị 34/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện; theo đó, Thủ tướng yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm chỉnh những nội dung sau:

- Tăng cường áp dụng các giải pháp quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành trong việc chiếu sáng công cộng.

- Tiến hành thay thế các đèn trang trí, đèn chiếu sáng bằng đèn tiết kiệm điện, đồng thời hoàn thành lắp đặt Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng công nghệ điều khiển tự động.

- Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng xây dựng mới.

- Thực hiện tự động hóa các tuyến chiếu sáng công cộng xây mới để giảm lượng ánh sáng theo khung thời gian đảm bảo giảm cường độ chiếu sáng khi không cần thiết.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp sản xuất được khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, biomass…

5. Lương tối thiểu vùng 2018: Tăng từ 180 - 230 nghìn đồng

Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt mức lương tối thiểu vùng 2018, với mức cụ thể như sau:

- Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng (tăng 230.000 đồng so với quy định hiện hành tại Nghị định 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ).

- Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng so với quy định hiện hành tại Nghị định 153).

- Vùng III: 3.090.000 đồng/tháng (tăng 190.000 đồng so với quy định hiện hành tại Nghị định 153).

- Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng so với quy định hiện hành tại Nghị định 153).

Như vậy, tính bình quân chung 4 Vùng, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 được Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất tăng khoảng 6,5% so với năm 2017.

Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 này sẽ được trình lên Chính phủ để ban hành Nghị định mới về lương tối thiểu vùng 2018.

Nghị định mới sẽ thay thế Nghị định 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (áp dụng kể từ ngày 01/01/2018).