Bản tin pháp luật số 1 - tháng 11/2016

10:33 | 15/11/2016

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 1 – THÁNG 11/2016

1. Thay đổi khung phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 169/2016/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ. Theo đó:

Nguyên tắc tính phí không đổi, tuy nhiên mức phí giới hạn tối thiểu đã tăng lên so với trước đây, cụ thể:

- Các hợp đồng chuyển giao công nghệ đăng ký lần đầu thì phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ từ 05 - 10 triệu đồng (hiện hành là từ 03 - 10 triệu đồng).

- Các hợp đồng chuyển giao công nghệ đề nghị đăng ký sửa đổi, bổ sung thì phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ từ 03 - 05 triệu đồng (hiện hành là từ 02 - 05 triệu đồng).

Chậm nhất là ngày 5 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.

Thông tư 169/2016/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017 và thay thế Thông tư 200/2009/TT-BTC ngày 15/10/2009.

 

2. Các trường hợp không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT

Ngày 28/10/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn 4262/BHXH-CSYT giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Theo đó:

- Người bệnh đến thực hiện các dịch vụ kỹ thuật (DVKT) đã được chỉ định thì chỉ thanh toán tiền DVKT, không thanh toán tiền khám bệnh.

- Người bệnh khám tại nhiều phòng khám, bàn khám thuộc cùng một chuyên khoa trong một lần đến khám, chữa bệnh thì chỉ thanh toán 01 lần tiền khám bệnh của chuyên khoa đó.

- Người bệnh tiếp tục phải điều trị ngoại trú ngay sau khi kết thúc đợt điều trị nội trú theo Thông tư 05/2016/TT-BYT thì không tính tiền khám bệnh cho đợt cấp thuốc đó.

- Không áp dụng mức giá tiền giường Hồi sức tích cực, Hồi sức cấp cứu theo Công văn 824/BYT-KH-TC ngày 16/02/2016 nếu người bệnh nằm giường hồi tỉnh sau phẫu thuật.

- Người bệnh không được hưởng đầy đủ chế độ điều trị nội trú, chăm sóc theo Thông tư 28/2014/TT-BYT thì không tính là ngày điều trị nội trú và không thanh toán tiền ngày giường bệnh.

Ngoài ra, Công văn 4262/BHXH-CSYT còn hướng dẫn thanh toán trực tiếp chi phí cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở của người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên.

 

3. Hướng dẫn mới về kê khai, nộp lệ phí cấp giấy phép quy hoạch

Ngày 27/10/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 171/2016/TT-BTC quy định về mức thu và chế độ thu, nộp lệ phí khi cấp giấy phép quy hoạch.

Theo đó, quy định một số nội dung mới về việc kê khai, nộp lệ phí như sau:

- Tổ chức thu lệ phí thực hiện kê khai lệ phí theo tháng và quyết toán lệ phí theo năm theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Thông tư 156/2013/TT-BTC .

- Tổ chức thu lệ phí phải nộp toàn bộ số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành thay vì được trích lại 10% trên tổng số lệ phí thu được như hiện nay.

-  Nguồn chi phí trang trải cho việc cấp giấy phép quy hoạch và thu lệ phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán hàng năm của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước đã quy định.

Thông tư 171/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 01/01/2017 và thay thế Thông tư số 23/2012/TT-BTC .

 

4. Lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng 2017

Ngày 27/10/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 172/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng.

Theo đó, mức thu lệ phí trong cấp giấy phép hoạt động xây dựng được quy định như sau:

- 1.000.000 đồng/chứng chỉ đối với cấp lần đầu chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức.

- 300.000 đồng/chứng chỉ đối với cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân.

- Mức thu lệ phí cấp lại, cấp bổ sung, điều chỉnh, chuyển đổi bằng 50% mức thu lệ phí nêu trên.

- Giữ nguyên mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài là 2.000.000 đồng/giấy phép.

Đồng thời, Thông tư 172/2016/TT-BTC quy định rõ về việc kê khai, nộp lệ phí; người nộp lệ phí; tổ chức thu lệ phí…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 và thay thế Thông tư 33/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.