Bản tin pháp luật số 1 - tháng 12/2014

01:00 | 30/12/2014

1. Lịch nghỉ lễ, Tết năm 2015 

Ngày 05/12/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 89/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2014.

Theo đó, đề cập đến lịch hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần vào dịp nghỉ lễ, Tết năm 2015 đối với cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể như sau:

- Tết Dương lịch: Nghỉ 4 ngày liên tục từ ngày 01 đến hết ngày 04/01/2015 (đi làm bù vào thứ Bảy ngày 27/12/2014).

- Tết Âm lịch: Nghỉ 9 ngày liên tục từ ngày 15 đến hết ngày 23/02/2015 (đi làm bù vào thứ Bảy ngày 14/02/2015).

- Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày chiến thắng 30/4, Ngày Quốc tế Lao động: Nghỉ 6 ngày liên tục từ ngày 28/04 đến hết ngày 03/05/2015 (đi làm bù vào thứ Bảy ngày 25/04/2015).

Đối với các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của cơ quan, đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp, đúng pháp luật.

   
2. Giảm lãi suất cho vay đầu tư, xuất khẩu

Theo Thông tư 189/2014/TT-BTC, từ ngày 11/12/2014 lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước được điều chỉnh như sau:

- Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng đồng Việt Nam giảm từ 10,5%/năm xuống còn 9,6%/năm.

- Lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước bằng đồng Việt Nam là 7,2%/năm (trước đây là 7,8%/năm).

Mức lãi suất nêu trên được áp dụng đối với các khoản giải ngân vốn vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Thông tư 189 thay thế Thông tư 108/2014/TT-BTC.   

3. Chuyển tiền từ 500 triệu đồng phải báo cáo

Từ ngày 26/12/2014, khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền điện tử có mức giá trị sau đây thì tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước, quốc tế phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền: 

- Từ 500 triệu đồng trở lên (hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương) đối với giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước.

- Từ 1.000 đô la Mỹ trở lên (hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương) đối với giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam.

Đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử sau đây thì không phải báo cáo:

- Giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ;

- Giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.

Nội dung trên được quy định tại Thông tư 31/2014/TT-NHNN

 

4. Thẻ căn cước sẽ thay thế chứng minh nhân dân

Đây là quy định quan trọng trong Luật Căn cước công dân được Quốc Hội thông qua vào ngày 20/11/2014.

Theo đó, Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.

Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ Căn cước công dân phải được đổi 3 lần, khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày 01/01/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Các tin khác