BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 09.2019

15:30 | 05/10/2019

BẢN TIN PHÁP LUẬT  - THÁNG 09/2019

1.         Tăng gấp đôi thời hạn được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm

Ngày 23/09/2019, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, thời hạn vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm tối đa là 120 tháng (hiện hành thời hạn vay vốn tối đa chỉ là 60 tháng).

Thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn. Đối tượng vay vốn và mức vay vốn cụ thể như sau:

- Người lao động (NLĐ): tối đa là 100 triệu đồng (hiện hành tối đa là 50 triệu đồng).

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh: tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/01 NLĐ được tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm (hiện hành tối đa là 01 tỷ đồng/dự án và không quá 50 triệu đồng/01 NLĐ);

Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 08/11/2019.

2.         Xác định tài sản chưa đủ tiêu chuẩn nhận biết là Tài sản cố định (“TSCĐ”)

Ngày 19/09/2019, Bộ tư pháp ban hành Quyết định 2402/QĐ-BTP về danh mục, thời gian sử dụng, tỷ lệ hao mòn đối với tài sản chưa đủ tiêu chuẩn nhận biết là tài TSCĐ, TSCĐ đặc thù và vô hình thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp. Theo đó, tài sản thuộc 01 trong 02 trường hợp sau đây thì được xác định là tài sản chưa đủ tiêu chuẩn nhận biết là TSCĐ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp:

- Tài sản (trừ nhà, công trình xây dựng, vật triến trúc) có nguyên giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng và có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên;

-Tài sản là trang thiết bị dễ hỏng, dễ vỡ có nguyên giá từ 10.000.000 đồng trở lên.

Danh mục, thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn đối với tài sản chưa đủ tiêu chuẩn nhận biết là TSCĐ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp thực hiện theo quy định tại Phụ lục 01, 02 kèm theo Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/9/2019 và thay thế cho Quyết định 1422/QĐ-BTP ngày 01/7/2016.

3.         Thời hạn gửi Báo cáo tài chính của các đơn vị được kiểm toán

Ngafy 16/09/2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Quyết định 03/2019/QĐ-KTNN về trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách đến Kiểm toán nhà nước (KTNN) của các đơn vị được kiểm toán. Theo đó:

- Các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách trung ương gửi Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý đến KTNN trước ngày 01/10 năm sau.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

+ Gửi báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đến KTNN trước ngày 01/10 năm sau;

+ Gửi quyết toán ngân sách địa phương đến KTNN chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày HĐND cấp tỉnh phê chuẩn;

- Bộ Tài chính gửi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đến KTNN chậm nhất 14 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.

- Các doanh nghiệp nhà nước, công ty mẹ, tổng công ty nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối:

+ Kết thúc năm tài chính, lập và gửi Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý đến KTNN trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm;

+ Các trường hợp có quy định khác về thời điểm lập, phát hành Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thì gửi cho KTNN sau thời điểm lập, phát hành theo quy định riêng.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 31/10/2019.

4.         Phạt đến 2 tỷ đồng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2 tỷ đồng.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm.

Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính.

Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi trong lĩnh vực cạnh tranh là mức trung bình của khung tiền phạt của hành vi đó:

- Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được quá mức tối thiểu của khung tiền phạt.

- Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

- Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng được điều chỉnh tương ứng không quá 15% mức trung bình của khung hình phạt.

Nghị định này có hiệu lực ngày 01/12/2019.