BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 07/2021

17:23 | 20/07/2021

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 07/2021

(TỪ NGÀY 20.06.2021 - 20.07.2021)

VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH

1. Luật cư trú 2020

Luật cư trú số 68/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/07/2021 thay thế Luật Cư trú 2006 và Luật Cư trú sửa đổi 2013, với một số điểm mới như:

- Từ ngày 01/7/2021, không cấp mới Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi công dân thực hiện đăng ký thường trú, tạm trú.

Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cập nhật thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu (CSDL) về cư trú.

- Thêm các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú mà hiện hành chưa quy định:

+ Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong CSDL về cư trú;

+ Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác;

+ Không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định pháp luật.

- Việc tách hộ sau khi ly hôn sẽ không cần sự đồng ý bằng văn bản của vợ/chồng.

2. Luật thỏa thuận quốc tế số 2020

Luật thỏa thuận quốc tế số 70/2020/QH4 có hiệu lực từ ngày 01/07/2021 quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Theo Luật thỏa thuận quốc tế số 70/2020/QH4:

- Bên ký kết nước ngoài trong thỏa thuận quốc tế (TTQT) theo quy định của Luật này bao gồm cả đối tượng là cá nhân nước ngoài, (Hiện hành, Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế 2007 không có quy định).

- TTQT được ký kết với tên gọi là:

+ Thỏa thuận;

+ Thông cáo, tuyên bố, ý định thư; (là các tên gọi mới)

+ Bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận, biên bản trao đổi, chương trình hợp tác, kế hoạch hợp tác hoặc tên gọi khác, trừ tên gọi đặc thù của điều ước quốc tế bao gồm công ước, hiệp ước, định ước, hiệp định.

- UBND cấp xã ở khu vực biên giới chỉ ký kết TTQT với bên ký kết nước ngoài là chính quyền địa phương cấp tương đương về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác thực hiện quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

3. Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020

Luật số 71/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Theo đó:

- Người nhiễm HIV có nghĩa vụ thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho:

+ Vợ, chồng, người dự định kết hôn;

+ Người chung sống như vợ chồng với mình (đối tượng được bổ sung thêm).

- Thêm đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, đơn cử như:

+ Người chuyển đổi giới tính;

+ Phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy;

+ Người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó thăn;

+ Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi.

4. Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020

Luật số 60/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng, chống thiên tai và luật đê điều có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Theo đó:

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, đơn cử như:

+ Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách gồm: Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ NN&PTNT quản lý (quy định mới) và Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quản lý.

+ Nguồn nhân lực cho hoạt động phòng, chống thiên tai:

Bổ sung thêm đối tượng là người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều, đơn cử:

+ Bổ sung thêm khái niệm: Bờ sông là ranh giới giữa mái dốc của lòng sông với mặt đất tự nhiên của bãi sông.

+ Thay thế cụm từ “Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão” bằng cụm từ “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” tại một số điều, khoản.

5. Thông tư 02/2021/TT-BCT 

Thông tư 02/2021/TT-BCT về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) có hiệu lực từ ngày 27/6/2021.

Theo đó, việc khai báo C/O mẫu EUR.1 quy định như sau:

- Mẫu C/O mẫu EUR.1 được quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 02/2021;

- C/O không được tẩy xóa hoặc viết chữ đè lên chữ khác;

Việc sửa đổi được thực hiện bằng cách xóa thông tin sai và bổ sung thông tin đúng, phải đi kèm chữ ký tắt của người hoàn thiện C/O và được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền.

- C/O không để khoảng trống giữa các mục và phải đánh số thứ tự mỗi mục; ngay dưới mục cuối cùng phải gạch ngang;

- Khoảng trống không sử dụng phải được gạch chéo để tránh việc bổ sung thông tin sau này;

- Hàng hóa được mô tả theo thông lệ thương mại và có đủ thông tin chi tiết để xác định được hàng hóa.

6. Thông tư 03/2021/TT-BTP

Thông tư 03/2021/TT-BTP sửa đổi Thông tư 08/2017/TT-BTP và Thông tư 12/2018/TT-BTP trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý có hiệu lực từ ngày 15/7/2021,

Theo Thông tư, nhiều quy định được thay đổi như sau:

- Rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ và ký hợp đồng với luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý từ 15 ngày xuống còn 10 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ.

- Bổ sung thời hạn kéo dài thời gian ký hợp đồng với cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong trường hợp có lý do chính đáng không quá 35 ngày kể từ ngày được cấp thẻ.

- Bãi bỏ quy định trước khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, tổ chức và Sở Tư pháp, cá nhân và Trung tâm phải ký kết phụ lục hợp đồng.

- Thời gian của bài kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý với nội dung viết được kéo dài thêm 60 phút thành 180 phút (hiện hành là 120 phút).

7. Thông tư 31/2021/TT-BTC

Thông tư 31/2021/TT-BTC về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 02/7/2021.

Theo đó, phân loại rủi ro người nộp thuế là cá nhân có 3 mức độ sau:

- Rủi ro cao.

- Rủi ro trung bình.

- Rủi ro thấp.

Căn cứ vào danh sách người nộp thuế là cá nhân phân loại theo các mức rủi ro trên, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với:

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;

- Cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (không bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh);

- Cá nhân có các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất.

8. Thông tư 32/2021/TT-BTC

Thông tư 32/2021/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Theo đó, đối tượng mua cổ phần khi Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa gồm:

- Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định 126/2017/NĐ-CP và khoản 3 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP là các tổ chức, cá nhân, gồm cả người lao động và người quản lý doanh nghiệp trong doanh nghiệp cổ phần hóa;

- Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 126/2017;

- Các đối tượng theo quy định tại Điều 42 Nghị định 126/2017, khoản 21 Điều 1 Nghị định 140/2020;

- Tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 33 Nghị định 126/2017.

Tổ chức công đoàn ủy quyền cho người có thẩm quyền của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện các thủ tục liên quan đến việc mua cổ phần.

9. Thông tư 35/2021/TT-BTC

Thông tư 35/2021/TT-BTC về cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình 1322) có hiệu lực từ 05/7/2021.

Theo đó, nguyên tắc huy động và sử dụng các nguồn tài chính thực hiện Chương trình 1322 quy định đơn cử như sau:

- Các nhiệm vụ thuộc Chương trình 1322 phải có phương án huy động các nguồn tài chính…;

- Cơ quan có thẩm quyền khi phê duyệt nhiệm vụ thuộc Chương trình 1322, căn cứ vào quy định tại Thông tư 35/2021 xác định mức chi từ nguồn kinh phí khác thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo cơ cấu tài chính, kinh phí thực hiện Chương trình 1322;

- Định mức chi, công tác hạch toán, quyết toán nguồn kinh phí khác được thực hiện theo các quy định hiện hành đối với từng loại nguồn vốn, khuyến khích các đơn vị thực hiện theo quy định tại Thông tư 35/2021.