BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 09/2021

16:02 | 05/09/2021

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 09/2021

(TỪ NGÀY 21.08.2021 - 05.09.2021)

VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH

1. Nghị định 67/2021/NĐ-CP 

Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Theo Nghị định, nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về tài sản công dưới đây sẽ không thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý theo quy định, đơn cử như:

- Đất (bao gồm cả tài sản gắn liền với đất (nếu có) thuộc trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Đất, tài sản gắn liền với đất thuộc: đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; đất rừng sản xuất, đất nông, lâm nghiệp;

- Nhà, đất là sản phẩm hàng hóa của dự án đầu tư kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật, trừ phần nhà, đất tại dự án đã được xác định và hạch toán là tài sản cố định của doanh nghiệp;

- Nhà, đất của doanh nghiệp đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp;
- Nhà, đất được hình thành bằng nguồn quỹ phúc lợi của doanh nghiệp;…

2. Nghị định 69/2021/NĐ-CP

Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (NCC) có hiệu lực từ ngày 01/9/2021 và thay thế Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015.

Theo Nghị định:

1.  Khi tiến hành cải tạo, xây dựng lại NCC thì phải có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng NCC, nội dung cụ thể phải có như sau:

- Tên và địa chỉ của chủ sở hữu, người sử dụng NCC;

- Vị trí, diện tích nhà cũ; vị trí, diện tích nhà được bố trí TĐC;

- Giá bán nhà ở, giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở TĐC, các công trình khác (nếu có); giá trị nhà ở, công trình xây dựng khác (nếu có) bố trí TĐC;

- Giá tính để bồi thường nhà ở, công trình xây dựng khác (nếu có); giá trị nhà ở, công trình xây dựng khác (nếu có) được bồi thường;

- Khoản tiền chênh lệch của chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu phải thanh toán (nếu có);

- Thời gian thực hiện dự án; thời gian hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC và bố trí chỗ ở tạm thời; thời gian bàn giao nhà TĐC;

- Việc bố trí chỗ ở tạm thời, chi phí hỗ trợ chỗ ở tạm thời;

- Các nội dung quy định tại Điều 21, 22 và 23 Nghị định 69/2021 và các nội dung khác liên quan (nếu có).

2. Nhà chung cư (NCC) thuộc các trường hợp sau phải phá dỡ để xây dựng lại NCC hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch:

- Phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định.

- Hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh thuộc một trong các trường hợp sau:

- Có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng NCC.

- Bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và có một trong các yếu tố: hệ thống hạ tầng kỹ thuật PCCC; cấp, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ:

+ Không đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành;

+ Hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác sử dụng cần phải dỡ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị.

- Bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, gồm: móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ theo quy định trên nhưng nằm trong khu vực NCC thuộc diện bị phá dỡ theo khoản 2 Điều 110 Luật Nhà ở.

3. Thông tư 09/2021/TT-BTNMT 

Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Theo đó, 09 Thông tư được sửa đổi bổ sung bao gồm:

- Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

- Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành;

- Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành;

- Thông tư 37/2014/TT-BTNMT quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

- Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 44/2014/NĐ-CP;

- Thông tư 61/2015/TT-BTNMT quy định về cấp và quản lý Chứng chỉ định giá đất;

- Thông tư 07/2015/TT-BTNMT quy định việc lập phương án sử dụng đất; lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính;

- Thông tư 33/2017/TT-BTNMT về hướng dẫn Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai và sửa đổi thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai;
- Thông tư 
27/2018/TT-BTNMT về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

4. Thông tư 13/2021/TT-NHNN

Thông tư 13/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Theo Thông, tiếp tục giảm 50% mức phí thanh toán tại 02 dịch vụ sau tại Biểu “Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng” từ 01/9/2021 đến hết 30/6/2022 như sau:

- Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị cao, cụ thể:

+ Đối với Lệnh thanh toán mà thời điểm Hệ thống nhận giao dịch trước 15h30 trong ngày:

Giảm từ 0,01% số tiền thanh toán còn 0,005% số tiền thanh toán (tối thiểu 1.000 đồng/món; tối đa 25.000 đồng/món).

+ Đối với Lệnh thanh toán mà thời điểm Hệ thống nhận giao dịch trong khoảng thời gian từ 15h30 đến khi Hệ thống ngừng nhận Lệnh thanh toán trong ngày:

Giảm từ 0,02% số tiền thanh toán còn 0,01% số tiền thanh toán (tối thiểu 2.000 đồng/ món; tối đa 50.000 đồng/món).

- Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị thấp giảm từ 2.000 đồng/món còn 1.000 đồng/món.

5. Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH 

Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ lao động - thương binh và xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, có hiệu từ ngày 01/9/2021.

Theo khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021 quy định từ ngày 01/01/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, cụ thể:

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh:

+ Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động;

+ Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;

- Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên:

+ Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

- Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:

Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

6. Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 và mẫu biểu báo cáo, có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Theo Thông, phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định 24/2021/QĐ-TTg thực hiện như sau:

- Khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình, tính điểm, tổng hợp điểm theo Phụ lục III và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 07/2021 để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo như sau:

+ Về mức thu nhập bình quân đầu người (gọi là điểm A):

Ở khu vực nông thôn, 140 điểm tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người 1.500.000 đồng/người/tháng;

Ở khu vực thành thị, 175 điểm tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người 2.000.000 đồng/người/tháng.

+ Về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (gọi là điểm B):

10 điểm tương đương với 01 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

- Phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo:

+ Hộ nghèo: hộ có điểm A ≤ 140 điểm và điểm B ≥ 30 điểm ở khu vực nông thôn hoặc có điểm A ≤ 175 điểm và điểm B ≥ 30 điểm ở khu vực thành thị;

+ Hộ cận nghèo: hộ có điểm A ≤ 140 điểm và điểm B < 30 điểm ở khu vực nông thôn hoặc có điểm A ≤ 175 điểm và điểm B < 30 điểm ở khu vực thành thị.