BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 11/2023

11:01 | 06/11/2023
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 11/2023
(TỪ NGÀY 21.10.2023 – 05.11.2023)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
 
1. Thông tư 60/2023/TT-BTC - Mức thu lệ phí đăng ký, cấp biển số xe lần đầu từ 22/10/2023
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 60/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 22/10/2023.
Theo đó, quy định mức thu lệ phí đăng ký xe, cấp biển số xe lần đầu từ ngày 22/10/2023 như sau:
(1) Đối với ô tô:
- Xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả xe con pick-up):
+ Khu vực I: 20 triệu đồng/lần/xe (hiện hành Thông tư 229/2016/TT-BTC quy định mức thu 2 triệu - 20 triệu đồng/lần/xe).
+ Khu vực II: 1 triệu đồng/lần/xe.
+ Khu vực III: 200 ngàn đồng/lần/xe.
- Rơ moóc, sơ mi rơ moóc đăng ký rời:
+ Khu vực I: 200 ngàn đồng/lần/xe (hiện hành quy định mức thu 100 ngàn - 200 ngàn đồng/lần/xe).
+ Khu vực II: 150 ngàn đồng/lần/xe.
+ Khu vực III: 150 ngàn đồng/lần/xe.
- Đối với xe ô tô khác:
+ Khu vực I: 500 ngàn đồng/lần/xe (hiện hành quy định mức thu 150 ngàn - 500 ngàn đồng/lần/xe).
+ Khu vực II: 150 ngàn đồng/lần/xe.
+ Khu vực III: 150 ngàn đồng/lần/xe.
(2) Đối với xe mô tô (xe máy):
- Trị giá đến 15 triệu đồng:
+ Khu vực I: 1 triệu đồng/lần/xe (hiện hành quy định mức thu 500 ngàn - 1 triệu đồng/lần/xe).
+ Khu vực II: 200 ngàn đồng/lần/xe.
+ Khu vực III: 150 ngàn đồng/lần/xe.
- Trị giá trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng:
+ Khu vực I: 2 triệu đồng/lần/xe (hiện hành quy định mức thu 1 triệu - 2 triệu đồng/lần/xe).
+ Khu vực II: 400 ngàn đồng/lần/xe.
+ Khu vực III: 150 ngàn đồng/lần/xe.
- Trị giá trên 40 triệu đồng:
+ Khu vực I: 4 triệu đồng/lần/xe (hiện hành quy định mức thu 2 triệu - 4 triệu đồng/lần/xe).
+ Khu vực II: 800 ngàn đồng/lần/xe.
+ Khu vực III: 150 ngàn đồng/lần/xe.
(3) Đối với xe mô tô ba bánh chuyên dùng cho người khuyết tật: Được miễn lệ phí (hiện hành quy định mức thu 50 ngàn đồng/lần/xe).
Lưu ý: Mức lệ phí nêu trên áp dụng thống nhất trong cả nước. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định mức thu lệ phí khác với quy định nêu trên trên cơ sở cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng tại địa phương thì áp dụng mức thu được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật đó.
 
2. Công văn 3452/BHXH-CSYT - Hướng dẫn thực hiện Nghị định 75/2023 về bảo hiểm y tế
Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn 3452/BHXH-CSYT về việc triển khai thực hiện Nghị định 75/2023/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 24/10/2023.
Theo đó, để kịp thời triển khai thực hiện Nghị định 75/2023/NĐ-CP, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh thực hiện một số nội dung như sau:
(1) Cấp thẻ, đổi thẻ BHYT theo quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP:
- Chuyển đổi mã mức hưởng BHYT theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP, cụ thể:
+ Đổi mức hưởng BHYT từ mã 4 sang mã 2 đối với Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc (có mã đối tượng KC) quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
+ Đổi mức hưởng BHYT từ mã 4 sang mã 3 đối với Người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình (có mã đối tượng PV) quy định tại khoản 19 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP .
- Bổ sung mã đối tượng và mã mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT đối với người tham gia BHYT mới được quy định tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP và Nghị định 131/2021/NĐ-CP:
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Quyết định 1351/QĐ-BHXH ngày 16/11/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định về mã số ghi trên thẻ BHYT, BHXH các tỉnh phối hợp với đơn vị quản lý đối tượng rà soát, lập danh sách và cấp thẻ BHYT của các đối tượng được bổ sung tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP, như sau:
+ Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 16 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng: mã đối tượng ký hiệu là TG và mã mức hưởng ký hiệu bằng số 3; mã khối quản lý là WG, mã khối thống kê là 37.
+ Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú: mã đối tượng ký hiệu là AK và mã mức hưởng ký hiệu bằng số 2; mã khối quản lý là WK, mã khối thống kê là 61.
+ Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ: mã đối tượng ký hiệu là DS và mã mức hưởng ký hiệu bằng số 3; mã khối quản lý là WS, mã khối thống kê là 62.
- Trường hợp người tham gia BHYT đồng thời thuộc nhiều đối tượng khác nhau, BHXH các tỉnh rà soát, đối chiếu dữ liệu đang quản lý với các trường hợp có tên trong hồ sơ đổi mức hưởng và danh sách đối tượng đổi thẻ mới, nếu thẻ BHYT cũ cấp theo đối tượng khác có mức hưởng thấp hơn so với quy định mới, thì theo mức hưởng cao nhất.
(2) Thủ tục KCB BHYT thực hiện theo quy định sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP :
Người tham gia BHYT khi KCB phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân; trường hợp xuất trình thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử.
(3) Thanh toán chi phí KCB BHYT trong giai đoạn chuyển tiếp thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định 75/2023/NĐ-CP:
Người tham gia bảo hiểm y tế vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị trước ngày 03/12/2023 nhưng ra viện từ ngày 03/12/2023 thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, g và h khoản 1, các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP.
 
3. Quyết định 1250/QĐ-TTg - Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá 2023
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1250/QĐ-TTg về triển khai việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá 2023, có hiệu lực ngày 26/10/2023.
Cụ thể, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giá 2023 như sau:
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Giá 2023 theo Danh mục và tiến độ quy định tại Quyết định 857/QĐ-TTg năm 2023 về việc ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 5.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rà soát các nội dung tại Luật Giá 2023 giao Chính phủ ban hành theo thẩm quyền để quy định bổ sung tại văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Giá 2023 hoặc trình Chính phủ ban hành Nghị định riêng theo thẩm quyền, đảm bảo có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
- Căn cứ kết quả rà soát văn bản, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, Hội Thẩm định giá và các doanh nghiệp thẩm định giá tổ chức xây dựng hệ thống các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam bảo đảm đầy đủ, toàn diện cho các nhóm tài sản hàng hóa, dịch vụ; tạo điều kiện, hành lang pháp lý cho việc thúc đẩy nâng cao chất lượng hoạt động của dịch vụ thẩm định giá, hoạt động của thẩm định giá Nhà nước trong thời gian tới; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
- Căn cứ kết quả rà soát, các địa phương chủ động trong việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý giá tại địa phương để phù hợp với tình hình thực tế công tác quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá tại địa phương. Bảo đảm triển khai quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Giá 2023 và các quy định có liên quan khác tại Luật Giá 2023 và các luật khác có liên quan. Hoàn thành trước ngày 30/5/2024.
 
4. Quyết định 3983/QĐ-BYT - Bãi bỏ toàn bộ 63 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19
Bộ Y tế ban hành Quyết định 3983/QĐ-BYT bãi bỏ một số văn bản phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ ngày 29/10/2023.
Theo đó, bãi bỏ toàn bộ 63 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19, đơn cử như:
1. Quyết định 156/QĐ-BYT ngày 20/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona.
2. Quyết định 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
3. Quyết định 870/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn.
4. Quyết định 878/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19”.
5. Quyết định 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch COVID-19”.
6. Quyết định 886/ QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế Phê duyệt nguyên tắc, tiêu chí và quy trình mua sắm trang thiết bị để phòng, chống dịch COVID-19.
7. Quyết định 928/QĐ-BYT ngày 17/03/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Tổ giúp việc Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
8. Quyết định 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả”.
9. Quyết định 1282/QĐ-BYT ngày 21/03/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời xét nghiệm COVID-19”.
10. Quyết định 1444/QĐ-BYT ngày 29/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời về lựa chọn và sử dụng khẩu trang trong phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, tại Quyết định 3983/QĐ-BYT năm 2023 còn bãi bỏ toàn bộ 92 Công văn và 05 Công điện của Bộ Y tế.
 
5. Quyết định 1269/QĐ-TTg - Bãi bỏ 20 Quyết định phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1269/QĐ-TTg bãi bỏ văn bản phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Thủ tướng Chính phủ ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 29/10/2023.
Theo đó, bãi bỏ 20 Quyết định phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đơn cử như:
- Quyết định 42/QĐ-BCĐ ngày 18 tháng 02 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống, dịch COVID-19 về việc ban hành Kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
- Quyết định 478/QĐ-BCĐQG ngày 20 tháng 2 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc kiện toàn các Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona 2019.
- Quyết định 929/QĐ-BCĐQG ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 phê duyệt danh sách thành viên của các Tiểu ban chống dịch thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
- Quyết định 1329/QĐ-BCĐQG ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc thành lập Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19.
- Quyết định 100/QĐ-BCĐ ngày 30 tháng 3 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống, dịch COVID-19 về việc phê duyệt Kế hoạch điều chỉnh đáp ứng với từng cấp độ dịch COVID-19.
- Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống địch COVID-19 về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”.
- Quyết định 2203/QĐ-BCĐQG ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại hộ gia đình”.
- Quyết định 2225/QĐ-BCĐQG ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng”.
 
6. Quyết định 1348/QĐ-KTNN - Các công việc được sử dụng cộng tác viên Kiểm toán nhà nước
Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy chế sử dụng Cộng tác viên Kiểm toán nhà nước kèm theo Quyết định 1348/QĐ-KTNN, có hiệu lực từ ngày 31/10/2023.
Kiểm toán nhà nước sử dụng cộng tác viên thực hiện các công việc (khi cần thiết) gồm:
(1) Tư vấn về chuyên môn
- Tư vấn chuyên môn trong việc xây dựng chuẩn mực kiểm toán, quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; xây dựng chương trình, tài liệu hướng dẫn chuyên môn kiểm toán;
- Tư vấn trong công tác chuẩn bị kiểm toán: Thuyết trình về cơ chế, chính sách, chế độ quản lý và những bất cập, hạn chế trong thực tế liên quan đến nội dung kiểm toán; khảo sát, thu thập thông tin; xác định trọng tâm, trọng yếu, rủi ro kiểm toán, nội dung và phương pháp kiểm toán; xây dựng các tiêu chí kiểm toán,...;
- Tư vấn chuyên môn trong quá trình thực hiện kiểm toán, lập Báo cáo kiểm toán;
- Tư vấn chuyên môn trong quá trình kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, trả lời khiếu nại, giải quyết khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
(2) Tham gia hỗ trợ công tác kiểm toán:
- Nghiên cứu tài liệu, hồ sơ kỹ thuật, chuyên môn trợ giúp cho công tác kiểm toán; dịch tài liệu kỹ thuật, chuyên môn; thực hiện một số công việc thuộc nội dung kiểm toán; sử dụng chuyên gia để trợ giúp kiểm toán viên nhà nước theo quy định của chuẩn mực Kiểm toán nhà nước về việc sử dụng chuyên gia.
- Giám định chuyên môn:
+ Kiểm định chất lượng công trình xây dựng, máy móc, thiết bị;
+ Thẩm định giá cả và xuất xứ máy móc, thiết bị;
+ Giám định tài liệu chứng từ;
+ Kiểm kê;
+ Định giá tài sản, doanh nghiệp;
+ Đo đạc địa chính, địa hình, địa vật, diện tích, kích thước hình học;
+ Khoan thí nghiệm xác định địa chất các lớp đất đá;
+ Siêu âm để xác định chiều dài cọc khoan nhồi, cốt thép, chiều dày bảo vệ cốt thép trong các kết cấu;
+ Kiểm tra các kết cấu chìm khuất;
+ Kiểm định chất lượng môi trường, quan trắc và phân tích thành phần môi trường;
+ Các trường hợp khác cần sử dụng chuyên gia giám định chuyên môn theo quy định của chuẩn mực Kiểm toán nhà nước.
- Các công việc khác do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định.
Kinh phí sử dụng cộng tác viên Kiểm toán nhà nước
Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu sử dụng cộng tác viên, Kiểm toán nhà nước lập dự toán kinh phí sử dụng cộng tác viên.
Kinh phí sử dụng cộng tác viên được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Kiểm toán nhà nước hoặc dự toán bổ sung trong trường hợp phát sinh đột xuất theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
 
7. Nghị quyết 182/NQ-CP - Chính phủ thông qua dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 182/NQ-CP về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực từ ngày 03/11/2023.
Theo đó, thông qua dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng như đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình 232/TTr-BTC.
Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định; chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.
Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 03/11/2023 về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chủ động báo cáo, giải trình với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.
Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng ban hành kèm theo Công văn 11692/BTC-CST ngày 26/10/2023, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc lựa chọn giảm thuế GTGT là do Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định 02 mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng).
Số thuế phải nộp = số thuế giá trị gia tăng đầu ra - thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở kinh doanh có loại áp dụng thuế suất 10%, 5% hoặc không chịu thuế giá trị gia tăng.
Do vậy, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% thì cơ bản số thuế giá trị gia tăng đầu ra nhỏ hơn số thuế giá trị gia tăng đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh số thuế giá trị gia tăng phải nộp. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10% thì sẽ phát sinh số thuế giá trị gia tăng phải nộp (thuế giá trị gia tăng đầu ra lớn hơn thuế giá trị gia tăng đầu vào).
Thời gian áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
 
8. Công văn 8662/VPCP-KGVX - Lịch nghỉ Tết Nguyên đán và Quốc khánh 2024 chính thức
Văn phòng Chính phủ có Công văn 8662/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024, có hiệu lực từ ngày 03/11/2023.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất nghỉ Tết nguyên đán Giáp thìn kéo dài 07 ngày từ ngày 08/02/2024 đến hết ngày 14/02/2024, nghĩa là nghỉ từ thứ năm tuần trước đến hết thứ tư tuần sau đó.
Xét theo lịch Âm lịch là từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 05 tháng Giêng năm Giáp Thìn.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý phương án nghỉ lễ Quốc khánh từ ngày 31/8/2024 đến hết ngày 03/9/2024 (tổng cộng 4 ngày).
Giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp, người lao động về việc nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024.
Trước đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất hai phương án cho dịp nghỉ tết Nguyên đán 2024 như sau:
- Phương án 1:
Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ từ thứ năm, ngày 8/2/2024 đến hết thứ tư, ngày 14/2/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Với phương án này, dịp Tết Nguyên đán 2024, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 7 ngày (bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động).
- Phương án 2
Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ từ thứ sáu, ngày 9/2/2024 đến hết thứ năm, ngày 15/2/2024 (tức ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Với phương án này, dịp nghỉ Tết Nguyên đán, công chức, viên chức cũng sẽ được nghỉ 7 ngày (bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần, theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động và 02 ngày nghỉ hằng tuần).