BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 01/2024

15:48 | 22/01/2024
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 01/2024
(TỪ NGÀY 05.01.2024 – 20.01.2024)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
 
1. Nghị quyết 01/NQ-CP - Tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai sửa đổi
Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 05/01/2024.
Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp, đơn cử như:
- Tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai sửa đổi và ban hành các văn bản quy định chi tiết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật;
Rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành liên quan đến lĩnh vực biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học phù hợp với thực tiễn.
Chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tập trung xây dựng, trình dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
- Tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước;
Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Công và sông Hồng.
Tập trung triển khai Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino.
Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực để xử lý, phục hồi các dòng sông chết, dòng sông bị ô nhiễm.
- Nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trong tình hình mới.
 
2. Công văn 41/TTg-QHĐP - Nghiên cứu cơ chế hoàn tiền cho người có thẻ BHYT phải tự mua thuốc điều trị
Nghiên cứu cơ chế hoàn tiền cho người có thẻ BHYT phải tự mua thuốc điều trị là nội dung đề cập tại Công văn 41/TTg-QHĐP năm 2024 thực hiện Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, có hiệu lực từ ngày 10/01/2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì việc:
Nghiên cứu ban hành cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế, giải quyết triệt để tình trạng cơ quan Bảo hiểm xã hội nợ thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thời hạn hoàn thành nội dung nghiên cứu cơ chế hoàn tiền cho người có thẻ BHYT phải tự mua thuốc điều trị là tháng 12/2024.
**Trước đó, tại buổi chất vấn ngày 07/11/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có phần trả lời các ĐBQH về những nội dung liên quan đến chính sách BHYT.
Về nguyên tắc, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú, nếu cho người bệnh tự mua thì có thể dẫn đến nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong quá trình phòng chống COVID-19 đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc. Thực tế, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ thuốc, có hiện tượng bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc để tự điều trị.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho người có thẻ BHYT phải tự mua thuốc.
Do vậy, liên quan đến vấn đề cơ chế thanh toán tiền cho người bệnh BHYT trực tiếp mua thuốc, Bộ Y tế đã giao vụ chức năng của Bộ, xây dựng Thông tư và hiện nay nội dung này đang được đơn vị chuyên môn xây dựng. Bộ Y tế sẽ lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện Thông tư để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Quy định về trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí BHYT
Hiện hành, theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014) và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2019/TT-BYT, người bệnh có thẻ BHYT sẽ được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT nếu thuộc 01 trong các trường hợp sau:
(1) Đi khám, chức bệnh tại cở sở y tế không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT.
(2) Đi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế có ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT nhưng thực hiện không đúng quy định về thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.
Người bệnh đến khám không xuất trình được thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh về nhân thân, trẻ em dưới 06 tuổi không xuất trình được thẻ BHYT.
Trường hợp cấp cứu mà không xuất trình được thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân trước khi ra viện.
Chuyển tuyến điều trị không có hồ sơ chuyển viện.
Khám lại theo yêu cầu điều trị nhưng không xuất trình được giấy hẹn khám lại.
(3) Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh trái tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả vượt quá 06 tháng lương cơ sở.
(4) Trường hợp dữ liệu thẻ BHYT không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ BHYT của người bệnh.
(5) Người bệnh không xuất trình được thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong hoặc bị mất thẻ BHYT nhưng chưa được cấp lại.
Nếu đáp ứng được một trong các trường hợp kể trên thì người bệnh sẽ được cơ quan BHXH thanh toán lại một phần tiền viện phí mà người đó đã trả cho cơ sở y tế khi đi khám, chữa bệnh.
Trên cơ sở viện phí và mức hưởng trong phạm vi quyền lợi BHYT của người bệnh mà cơ quan BHXH sẽ thực hiện thanh toán số tiền BHYT tương ứng.
 
3. Quyết định 38/QĐ-TTg - Đến 2025, 100% người dân có thể dùng CCCD thay thẻ BHYT khi khám chữa bệnh
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030, có hiệu lực từ ngày 11/01/2024.
Theo đó, mục tiêu phát triển ngành Bảo hiểm xã hội cụ thể đến năm 2025 như sau:
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động:
+ 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế đã được cấp Căn cước công dân có thể sử dụng thay thế thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh.
+ 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
+ 95% hồ sơ công việc của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
+ 100% người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế có tài khoản giao dịch điện tử, đã cài đặt ứng dụng VssID có thể theo dõi quá trình đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến;
- Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội trên 85%.
- Số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị trên 68%.
- Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi;
Có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội;
Khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
 
4. Nghị định 82/2023/NĐ-CP, Quy định mới về kê khai thu, nộp phí, quyết toán lệ phí từ ngày 12/01/2024
Chính phủ ban hành Nghị định 82/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 120/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phí và lệ phí 2015, có hiệu lực từ ngày 12/01/2024.
Theo đó, việc kê khai, thu, nộp phí, lệ phí và quyết toán phí từ ngày 12/01/2024 được thực hiện như sau:
- Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho tổ chức thu hoặc Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức: Nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật. 
Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phí và lệ phí 2015 quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.
- Tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí thu được như sau:
+ Định kỳ hằng ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà nước; tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí thu được vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc nộp lệ phí vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước.
Căn cứ số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí, lệ phí xa hay gần Kho bạc Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phí và lệ phí 2015 quy định định kỳ ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách, tổ chức thu lệ phí phải gửi số tiền lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản lệ phí chờ nộp ngân sách hoặc tài khoản thu ngân sách nhà nước.
+ Tổ chức thu phí kê khai, nộp tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng, quyết toán năm và tổ chức thu lệ phí kê khai, nộp lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo tháng theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019, Nghị định 126/2020/NĐ-CP , Nghị định 91/2022/NĐ-CP .
+ Tổ chức thu phí hải quan, lệ phí hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải quá cảnh, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp phí, lệ phí theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP .
 
5. Chỉ thị 01/CT-NHNN - Năm 2024, mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, trong đó có đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có hiệu lực từ ngày 15/01/2024.
Cụ thể, một số mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát đặt ra như sau:
- Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4-4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
- Điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng.
- Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
- Tập trung nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng.
Tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.