BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 02/2024

17:12 | 20/02/2024
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 02/2024
(TỪ NGÀY 05.02.2024 – 20.02.2024)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
 
1. Nghị quyết 20/NQ-CP - Đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt
Nội dung này đề cập tại Nghị quyết 20/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2024, có hiệu lực từ ngày 05/02/2024.
Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:
- Bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện hạn mức tín dụng năm 2024, điều hành linh hoạt, kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kiên quyết chống tiêu cực trong cung ứng tín dụng.
- Tiếp tục rà soát các điều kiện cho vay, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn để tăng khả năng tiếp cận tín dụng; thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng và 15 nghìn tỷ đồng.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1426/CĐ-TTg năm 2023; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong mua, bán vàng, ngoại tệ và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, cơ quan liên quan bảo đảm vận hành hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp, khách du lịch trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
- Phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng yếu kém để sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn. Có giải pháp hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, bảo đảm an ninh, kỷ luật thị trường tiền tệ, ngân hàng.
 
2. Thông tư 17/2023/TT-NHNN - Nguyên tắc kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng
Thống đôc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 17/2023/TT-NHNN quy định về kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 08/02/2024.
Theo đó, việc kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
- Việc kiểm tra được thực hiện đúng thẩm quyền và trên cơ sở quy định pháp luật.
- Việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất.
- Bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, dân chủ, kịp thời, phối hợp hiệu quả.
- Bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thời gian, đối tượng kiểm tra giữa hoạt động kiểm tra của các đơn vị kiểm tra, giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra.
Khi tiến hành hoạt động kiểm tra, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra thì thực hiện hoạt động thanh tra; nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm tra, thủ trưởng các đơn vị kiểm tra thống nhất để thực hiện một cuộc kiểm tra.
 
3. Quyết định 175/QĐ-TTg - Bảo đảm điều kiện để tổ chức triển khai thu thập mống mắt, ADN, giọng nói để làm thẻ căn cước
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 175/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước 2023, có hiệu lực từ ngày 14/02/2024.
Theo đó, nội dung của Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước 2023 đơn cử như:
- Bảo đảm điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói; tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử; mở rộng việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Nội dung: Đề xuất các giải pháp về công nghệ, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hệ thống lưu trữ, xử lý để triển khai thu nhận mống mắt; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, căn cước điện tử và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp; thu thập, khai thác, sử dụng thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói theo quy định của Luật Căn cước 2023; mở rộng việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian thực hiện: Năm 2024 và các năm tiếp theo.
- Tổ chức triển khai việc kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước
Nội dung: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của Luật Căn cước 2023 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công an và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Thời gian thực hiện: Hằng năm.
 
4. Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH - Các trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 15/02/2024
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm 2013 và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm 2013 về bảo hiểm thất nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/02/2024.
Theo đó, các trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
- Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp;
- Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với trường hợp người lao động được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
 
5. Thông tư 25/2023/TT-BKHĐT - Sửa đổi bổ sung một số mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam
Nội dung đề cập tại Thông tư 25/2023/TT-BKHĐT ngày 31/12/2023 sửa đổi Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư, có hiệu lực từ ngày 15/02/2024.
Theo đó, Thông tư 25/2023/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số mẫu văn bản quy định tại Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT như sau:
(1) Sửa đổi, bổ sung các mẫu văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam quy định tại Phụ lục A Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT .
(2) Sửa đổi, bổ sung các mẫu văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài quy định tại Phụ lục B Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT .
(3) Sửa đổi, bổ sung các mẫu văn bản liên quan đến hoạt động Xúc tiến đầu tư quy định tại Phụ lục C Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT .
(4) Tại các Biểu: A.I.1, A.I.5, A.I.6, A.I.7, A.I.8, A.I.9, A.I.10, A.I.11a, A.I.11b, A.I.11c, A.I.11d, A.I.11đ, A.I.11e, A.I.11g, A.I.11h, A.I.13, A.I.14 và A.I.21: Đối với nhà đầu tư cá nhân và người đại diện theo pháp luật là công dân có quốc tịch Việt Nam hoặc công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài nhưng lựa chọn sử dụng quốc tịch Việt Nam thì chỉ khai các thông tin: họ và tên, mã định danh cá nhân, địa chỉ liên hệ, điện thoại, email. Đối với các nhà đầu tư cá nhân và người đại diện theo pháp luật là công dân có quốc tịch nước ngoài hoặc công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài nhưng lựa chọn sử dụng quốc tịch nước ngoài thì khai các thông tin như hiện hành.
 
6. Chỉ thị 06/CT-TTg - Báo cáo kết quả nâng hạng thị trường chứng khoán trước ngày 30/6/2024
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, có hiệu lực từ ngày 15/02/2024.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm sau:
- Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh chóng các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2024.
- Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024;
Quản lý chặt chẽ các nguồn thu; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, các khoản chi không thật sự cấp bách theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024, Chỉ thị 01/CT-TTg năm 2024;
Đề xuất phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát, tổng hợp và kịp thời trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán năm 2024 đối với các nhiệm vụ của ngân sách trung ương chưa phân bổ trong dự toán đầu năm theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị quyết 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 theo đúng quy định.
Riêng đối với các khoản chi của ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ đầu năm cho các bộ, cơ quan để thực hiện mua sắm, hiện đại hóa trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin, đề nghị thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 820/ VPCP-KTTH năm 2024.
- Khẩn trương hoàn thiện báo cáo phục vụ Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp năm 2023 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại các Văn bản số 49/ TTg-ĐMDN năm 2024 và số 8298/ VPCP-ĐMDN năm 2023.
- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, địa phương liên quan rà soát, thực hiện việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2024, bảo đảm kịp thời, đúng quy định.
- Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành cho các chủ đầu tư, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước; công khai, minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ, bảo đảm giao dịch thông suốt, liên tục, không để tồn đọng hồ sơ thanh toán mà không rõ lý do và phát sinh chi phí cho chủ đầu tư.
- Phối hợp chặt chẽ, kịp thời tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư năm 2024 và kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.