Bản tin pháp luật số 1 - tháng 9/2015

10:14 | 13/11/2015

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 1 – THÁNG 9/2015

1. Điều kiện kinh doanh bất động sản

Theo Nghị định 76/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Phải thành lập DN theo quy định pháp luật về DN hoặc hợp tác xã (HTX) theo quy định pháp luật về HTX và phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng (trước đây là 6 tỷ đồng), trừ các trường hợp sau:

+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên quy định tại Điều 5 Nghị định này.

+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản quy định tại Chương IV Luật Kinh doanh bất động sản.

- DN, HTX kinh doanh bất động sản thuộc diện có vốn pháp định theo quy định trên phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của số vốn pháp định.

- Mức vốn pháp định nêu trên được xác định căn cứ vào số vốn điều lệ của DN, HTX theo quy định pháp luật về DN, pháp luật về HTX. 

DN, HTX không phải làm thủ tục đăng ký xác nhận về mức vốn pháp định.

Nghị định 76/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2015 và thay thế Nghị định 153/2007/NĐ-CP .

2. Quy định về bán cổ phần theo lô

Theo Quyết định 41/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/9/2015, việc bán cổ phần theo lô phải tuân thủ theo những nguyên tắc sau: Bán cổ phần theo lô phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán trên cơ sở phương án bán theo lô được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Trong đó, phương án bán cổ phần theo lô phải có các nội dung cơ bản sau: số lô cổ phần bán đấu giá; số lượng cổ phần của mỗi lô; giá khởi điểm của lô cổ phần bán đấu giá; tiêu chí nhà đầu tư tham gia đấu giá; phương án xử lý trong trường hợp đấu giá không thành công.

- Các nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần theo lô không phải thực hiện chào mua công khai theo quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

- Việc bán cổ phần theo lô có thể chia thành nhiều lô khác nhau để bán đấu giá tùy theo số lượng cổ phần và tình hình thị trường nhưng mỗi một phiên đấu giá chỉ bán một lô cổ phần (trọn lô), số lượng cổ phần của một lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty cổ phần theo quy định…

3. Hướng dẫn cơ cấu tổ chức Ban quản lý Khu công nghiệp

Ngày 03/9/2015, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý bao gồm: 

- Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ;

- Văn phòng Ban Quản lý.

- Văn phòng đại diện tại khu công nghiệp, khu kinh tế (nếu có).

- Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).

Số lượng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ không quá 05 phòng với tên gọi: Phòng Kế hoạch tổng hợp; Phòng Quản lý đầu tư; Phòng Quản lý doanh nghiệp; Phòng Quản lý tài nguyên và môi trường; Phòng Quản lý quy hoạch và xây dựng.

Ban Quản lý được bổ sung, thành lập:

- Phòng Quản lý lao động nếu địa phương có số lượng lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế từ 50.000 lao động trở lên.

- Phòng Hỗ trợ và giám sát hoạt động đầu tư nếu địa phương có từ 200 dự án đầu tư trở lên đang hoạt động với tổng đầu tư đăng ký trên 2,5 tỷ USD hoặc 100 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 5,0 tỷ USD trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV có hiệu lực từ ngày 19/10/2015.

4. Tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2016

Ngày 03/9/2015, Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất trình lên Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng kể từ năm 2016 như sau: 

- Vùng I: 3.500.000 đồng

- Vùng II: 3.100.000 đồng

- Vùng III: 2.700.000 đồng

- Vùng IV: 2.400.000 đồng

Như vậy, so với mức lương hiện hành tại Nghị định 103 năm 2014 thì mặt bằng lương tối thiểu vùng dự kiến áp dụng từ năm 2016 tăng trung bình 12.4%.

Sắp tới, Chính phủ sẽ căn cứ vào thông tin này để ban hành Nghị định mới về tiền lương tối thiểu vùng thay thế cho Nghị định 103.

5. Làm giả văn bằng, chứng chỉ phạt đến 20 triệu đồng

Quy định này được đề cập tại Nghị định 79/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp sẽ bị xử phạt tiền theo các mức sau:

- Từ 1 – 3 triệu đồng với hành vi không cập nhật và công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử hoặc tại trụ sở chính, phân hiệu, cơ sở đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

-Từ 3 – 5 triệu đồng với hành vi cho người khác sử dụng hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác.

- Từ 5 – 7 triệu đồng với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS).

- Từ 7 – 10 triệu đồng với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mà chưa đến mức bị truy cứu TNHS.

- Từ 10 – 20 triệu đồng với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ mà chưa đến mức bị truy cứu TNHS.

Nghị định 79/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2015 và thay thế Nghị định 148/2013/NĐ-CP.

6. Chi phí đăng tải thông tin và lựa chọn nhà thầu qua mạng 

Từ ngày 01/11/2015, chi phí đăng tải thông tin, tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và lựa chọn nhà thầu qua mạng được thực hiện theo Biểu mức thu chi phí mới ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC . Cụ thể, chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu (chưa bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng) như sau:  

- Thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển: 300.000 đồng/gói/thứ tiếng.

- Thông báo mời chào hàng: 150.000 đồng/gói/thứ tiếng.

- Thông báo mời thầu: 300.000 đồng/gói/thứ tiếng.

- Danh sách ngắn: 150.000 đồng/gói/thứ tiếng.

Chi phí tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và lựa chọn nhà thầu qua mạng (chưa bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng) như sau:

- Chi phí đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (nộp một lần khi đăng ký): 500.000 đồng.

- Chi phí duy trì tên và dữ liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (nộp hàng năm, không kể năm thực hiện đăng ký): 500.000 đồng/năm.

- Chi phí nộp hồ sơ dự thầu: 300.000 đồng/gói.

- Chi phí nộp hồ sơ đề xuất: 200.000 đồng/gói.

Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC thay thế Thông tư liên tịch 20/2010/TTLT-BKH-BTC và Thông tư 17/2010/TT-BKH.