Bản tin pháp luật số 2 - tháng 6/2015

15:04 | 29/10/2015

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 2 – THÁNG 6/2015

 1. Hướng dẫn mới về quản lý dự án đầu tư xây dựng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 59/2015/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong đó đáng chú ý là việc phân loại dự án được thực hiện như sau:

Việc phân loại dự án được dựa trên quy mô, tính chất, loại công trình chính của dự án gồm 4 loại: Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C.

Trường hợp phân loại theo nguồn vốn sử dụng gồm: Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án sử dụng nguồn vốn khác.

Bên cạnh đó, những dự án sau chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm công trình sử dụng cho mục đích tôn giáo và công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nghị định 59/2015/NĐ-CP còn quy định về thẩm quyền thẩm định dự án cũng như cách thức lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, trình tự xây dựng, quản lý, thực hiện và nghiệm thu dự án…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/8/2015.

2. Hướng dẫn áp dụng thuế, phí trong mời thầu mua sắm hàng hóa

Theo Thông tư >05/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa thì giá dự thầu của nhà thầu phải bao gồm toàn bộ các chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu, trong đó có thuế, phí, lệ phí (nếu có).  Thuế, phí, lệ phí được áp theo thuế suất, mức phí, lệ phí theo quy định tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu.

- Đối với đấu thầu trong nước, khi đánh giá về giá phải xem xét cả chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có).

- Đối với đấu thầu quốc tế, khi đánh giá về giá không xem xét và không đưa vào để so sánh, xếp hạng nhà thầu đối với chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có). 

Trường hợp nhà thầu được xếp hạng thứ nhất thì chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có) sẽ được xác định cụ thể trong bước thương thảo hợp đồng. Giá đề nghị trúng thầu, giá hợp đồng phải bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có).

3. Mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại TTCK

Nội dung này được quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP, bãi bỏ Quyết định 55/2009/QĐ-TTg.  Cụ thể, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng Việt Nam được thực hiện như sau: 

- Trường hợp điều ước quốc tế (ĐƯQT) mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo ĐƯQT;

- Công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì áp dụng quy định đó, trường hợp chưa có quy định mà hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%;

- Công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu không vượt quá mức thấp nhất mà các ngành, nghề đó có quy định, trừ trường hợp ĐƯQT có quy định khác;

 - Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

4. Hướng dẫn bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai

Ngày 25/6/2015, Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư 07/2015/TT-NHNN về bảo lãnh ngân hàng, trong đó hướng dẫn cụ thể về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo đó, ngân hàng thương mại khi thực hiện việc bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải tuân thủ một số quy định như:

- Nhà ở hình thành trong tương lai phải đủ điều kiện được bán, cho thuê mua theo quy định;

- Trong hợp đồng bán, cho thuê mua phải quy định chủ đầu tư có nghĩa vụ hoàn lại tiền cho bên mua, bên thuê mua khi chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết;

- Ngân hàng thương mại phải được thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng;

- Cam kết bảo lãnh phải có hiệu lực đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày bàn giao nhà cho bên mua, bên thuê mua theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư và bên mua, bên thuê mua nhà.

Thông tư 07/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 09/8/2015 và thay thế Thông tư 28/2012/TT-NHNN.

5. Hướng dẫn mới về thuế thu nhập doanh nghiệp

Ngày 22/6/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Thông tư về thuế. Theo đó:

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại nước ngoài;

- Quy định rõ hơn về chuyển lỗ năm tiếp theo giữa các loại thu nhập tính thuế;

- Sửa đổi quy định về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ;

- Quy định mới về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế;

- Bỏ nhiều quy định về thu nhập khác và bổ sung hướng dẫn tại thu nhập khác;

- Bổ sung hướng dẫn về chuyển lỗ khi chia, tách doanh nghiệp;

- Quy định mới về xác định giá mua của phần vốn chuyển nhượng;

- Sửa đổi, bổ sung điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế.

Thông tư 96/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 06/8/2015 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2015 trở đi.

6. Hướng dẫn mới về Thuế thu nhập cá nhân

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn mới về thuế. Theo đó:

- Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; 

- Hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP.

Thông tư 92/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/07/2015 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập cá nhân từ năm 2015 trở đi.

Các hướng dẫn về cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế thì áp dụng cho kỳ tính thuế từ ngày 01/01/2016.

Trường hợp cá nhân có phát sinh hợp đồng thuê trong nhiều năm và đã khai thuế, nộp thuế theo quy định trước đây thì không điều chỉnh lại đối với số thuế đã khai, đã nộp.

7. Hướng dẫn cách tính tiền lương làm thêm giờ

Ngày 23/6/2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Theo đó:

Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường hoặc Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường X Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% X Số giờ làm thêm hoặc Số sản phẩm làm thêm.

Mức 150% hoặc 200% hoặc 300% theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2012.

Ngoài nội dung trên, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH còn hướng dẫn cách tính tiền lương làm việc vào ban đêm, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm.

Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 08/8/2015 và các chế độ tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/3/2015.