BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 01/2022

15:09 | 05/01/2022

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 01/2022

(TỪ NGÀY 21.12.2021 – 05.01.2022)

VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH

1. 06 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022

a. Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020

- Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) cho một số cơ quan và chức danh như Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp…

- Tăng mức xử phạt VPHC tối đa đối với một số lĩnh vực như: (điểm a khoản 10 Điều 1)

+ Lĩnh vực giao thông đường bộ: mức phạt tối đa 75.000.000 đồng. (Hiện hành là 40.000.000 đồng),

+ Lĩnh vực báo chí: mức phạt tối đa 250.000.000 đồng. (Hiện hành là 100.000.000 đồng).

- Bổ sung quy định giảm, miễn tiền phạt cho đối tượng là tổ chức (hiện hành chỉ quy định cho cá nhân); đồng thời, giảm mức quy định được hoãn phạt tiền với cá nhân bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng xuống còn 2.000.000 đồng. (khoản 37, 38 Điều 1)

- Thêm một số lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện VPHC như: phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia … (khoản 32 Điều 1)

b. Luật Bảo vệ môi trường 2020

- Hộ gia đình (HGĐ), cá nhân không phân loại rác, không sử dụng bao bì đúng quy định có thể bị từ chối thu gom.

Quy định nêu rõ: Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của HGĐ, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định. (Điều 77)

(Trừ trường hợp HGĐ, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75)

- Quy định về hoạt động kiểm toán môi trường:

Là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (SX, KD, DV), khuyến khích cơ sở SX, KD, DV tự thực hiện kiểm toán môi trường.

- Các đối tượng được quy định phải có giấy phép bảo vệ môi trường:

+ Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

+ Dự án đầu tư, cơ sở, khu SX, KD, DV tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định ở trên. (Điều 39)

c. Luật Biên phòng Việt Nam 2020

- Hệ thống tổ chức của Bộ đội biên phòng (BĐBP) gồm có:

+ Bộ Tư lệnh BĐBP;

+ Bộ chỉ huy BĐBP cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP;

+ Đồn Biên phòng, Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đội Biên phòng. (Điều 21)

- Ngày 03/3 hằng năm là ngày truyền thống của BĐBP, Ngày biên phòng toàn dân. (Điều 23)

- Bổ sung trường hợp hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền như xảy ra bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, truy bắt tội phạm có vũ khí…(Điều 11)

e. Luật Phòng, chống ma túy 2021

- Nghiêm cấm việc kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy. (Điều 5)

- 04 trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể:

+ Người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

+ Người mà cơ quan, người có thẩm quyền có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;

+ Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý;

+ Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đang cai nghiện ma túy; đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy. (Điều 22)

f. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020

- Cấm đưa NLĐ Việt Nam hoặc NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với 09 công việc như công việc mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí; công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ; công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập… (Điều 7)

- Nghiêm cấm việc thu tiền môi giới của NLĐ (hiện hành NLĐ có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định). (Điều 7)

- Có thể thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Hiện hành, quy định bắt buộc phải thông qua hợp đồng). (Điều 5)

g. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê 2021

- Định kỳ 05 năm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phối hợp với bộ, ngành và địa phương rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước.

- Thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê 2015 bằng Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới được ban hành theo Luật Thống kê sửa đổi 2021.

2. Nghị định 97/2021/NĐ-CP

Chính phủ ban hành Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 23/12/2021.

Theo đó, mức phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được quy định tại Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 97/2021/NĐ-CP (thay thế Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP ).

Mức phí này được áp dụng đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định: Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy.

Mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân (x) tỷ lệ phí bảo hiểm.

Trong đó, tỷ lệ phí bảo hiểm/năm có một số thay đổi, đơn cử như:

- Rạp chiếu phim (điểm 5.2): 0,1% (hiện hành là 0,15% (điểm 3.2));

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (khoản 14): 0,5% (hiện hành là 0,35% (khoản 12));

- Nhà máy nhiệt điện (điểm 17.1): 0,15% (hiện hành là 0,1% (điểm 15.1));

- Nhà máy thủy điện và một số nhà máy điện khác (điểm 17.2): 0,12% (hiện hành là,07%(điểm 15.2));

Đồng thời bổ sung một số cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ với tỷ lệ phí bảo hiểm/năm như sau:

- Công trình tàu điện ngầm (khoản 12): 0,1% và 0,12%;

- Đài kiểm soát không lưu (điểm 12.3): 0,08%;...       

3. Công văn 10943/BYT-MT

Ngày 24/12/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn 10943/BYT-MT về Hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID 19 đối với người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày).

Theo đó, người nhập cảnh vào làm việc ngắn ngày tại Việt Nam phải có:

- Kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh.

- Giấy chứng nhận bảo hiểm y tế quốc tế còn hiệu lực hoặc cam kết chi trả chi phí điều trị của đơn vị, tổ chức mời trong trường hợp người nhập cảnh bị mắc COVID-19.

- Trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 cần có các giấy tờ xác nhận theo quy định.

Đồng thời, về nguyên tắc chung, không phải cách ly y tế người nhập cảnh song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt, không tiếp xúc với cộng đồng, đảm bảo an toàn cho người nhập cảnh ngắn ngày và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng.

Trong trường hợp người nhập cảnh dự kiến làm việc, hoạt động tại nhiều địa phương, cần phải có kế hoạch, phương án di chuyển rõ ràng và được địa phương liên quan chấp thuận.

Người nhập cảnh ngắn ngày và người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày phải thực hiện đầy đủ quy định 5K, tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng hoặc khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lý và y tế địa phương để xử lý theo quy định.

4. Nghị định 101/2021/NĐ-CP

Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 30/12/2021.

Theo đó, điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng quy định tại Phụ lục I - Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế và Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế.

Đơn cử, điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu với một số mặt hàng như:

- Các loại cát tự nhiên, đã hoặc chưa nhuộm màu, trừ cát chứa kim loại thuộc Chương 26 (mã hàng 25.05): Được điều chỉnh mức thuế suất từ 0% lên 10% và 30% (tùy loại).

- Đồ trang sức và các bộ phận của đồ trang sức, bằng kim loại quý hoặc kim loại được dát phủ kim loại quý (mã hàng 71.13): Có thuế suất 25%; 30% sẽ được điều chỉnh giảm xuống còn 0% và 1%.

- Đồ kỹ nghệ vàng hoặc bạc và các bộ phận của đồ kỹ nghệ vàng bạc, bằng kim loại quý hoặc kim loại dát phủ kim loại quý (mã hàng 71.14); các sản phẩm khác bằng kim loại quý hoặc kim loại dát phủ kim loại quý (mã hàng 71.15): thuế suất được điều chỉnh giảm từ 30% xuống còn 0% và 1%.

- Chì chưa gia công (mã hàng 78.01): Có mức thuế suất thuế xuất khẩu mới là 15% thay vì 0% như quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP hiện nay.

5. Thông tư 102/2021/TT-BTC

Thông tư 102/2021/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Thông tư 128/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018.

Theo đó, điều chỉnh giá của một số dịch vụ áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Na, đơn cử như:

*Giá dịch vụ áp dụng tại thị trường chứng khoán cơ sở

- Giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch): điều chỉnh giảm từ tối đa 0,5% xuống còn tối đa 0,45%/giá trị giao dịch.

- Giá dịch vụ phát hành, mua lại chứng chỉ quỹ ETF:

+ Đối với nhà đầu tư: điều chỉnh giảm từ tối đa 5% (dịch vụ phát hành) và tối đa 3% (dịch vụ mua lại) xuống còn tối đa 1%/giá trị giao dịch đối với cả 02 dịch vụ;

+ Đối với thành viên lập quỹ: điều chỉnh giảm từ tối đa 5% (dịch vụ phát hành) và tối đa 3% (dịch vụ mua lại) xuống còn tối đa 0,5%/giá trị giao dịch đối với cả 02 dịch vụ….

*Giá dịch vụ áp dụng tại thị trường chứng khoán phái sinh

Giá dịch vụ môi giới hợp đồng tương lai được điều chỉnh như sau:

+ Giảm từ tối đa 15.000 đồng xuống 5.000 đồng/Hợp đồng tương lai chỉ số;

+ Giảm từ tối đa 25.000 đồng xuống 8.000 đồng/Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.

6. Nghị định 128/2021/NĐ-CP

Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Theo đó, một số điểm mới về xử phạt hành chính lĩnh vực chứng khoán, đơn cử như:

a. Bổ sung hành vi vi phạm quy định phát hành chứng khoán

Cụ thể, phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi:

Không chuyển số tiền thu được từ đợt phát hành thêm vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo bằng văn bản về việc nhận được báo cáo kết quả đợt phát hành.

(Theo điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP bổ sung khoản 1a vào Điều 12 Nghị định 156/2020/NĐ-CP)

b. Bổ sung hành vi vi phạm quy định về huỷ tư cách công ty đại chúng

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không nộp hoặc nộp không đúng thời hạn hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng theo quy định tại Điều 39 Luật Chứng khoán trong trường hợp phải nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng theo quy định pháp luật.

So với trước đây, bổ sung hành vi nộp không đúng thời hạn hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng theo quy định.

(Theo khoản 12 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi Khoản 2 Điều 14 Nghị định 156/2020/NĐ-CP)

c. Nâng mức xử phạt tối thiểu đối với hành vi vi phạm quy định về quản trị công ty đại chúng

- Tăng mức xử phạt gấp đôi từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng lên thành từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi:

+ Không xây dựng, trình Đại hội đồng cổ đông thông qua quy chế nội bộ về quản trị công ty, quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; không xây dựng quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán trong trường hợp công ty đại chúng tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp; không quy định tại Quy chế nội bộ về quản trị công ty việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác.

+ Không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty.

- Tăng mức xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng lên thành từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với:

Công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên

- Bổ sung quy định xử phạt từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng đối với các hành vi:

+ Thành viên Hội đồng quản trị độc lập của công ty niêm yết không lập báo cáo đánh giá về hoạt động của Hội đồng quản trị

+ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát, Chủ tịch Ủy ban kiểm toán không đảm bảo số lượng cuộc họp Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ủy ban kiểm toán hàng năm theo quy định.

(Theo khoản 13 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định 156/2020/NĐ-CP)

d. Thêm quy định xử phạt vi phạm về thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với công ty đại chúng thực hiện thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa không đúng thời gian quy định tại Điều 141 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với công ty đại chúng không thực hiện thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hoặc về thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng hoặc về thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

(Theo Khoản 14 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung điều 15a vào sau Điều 15 Nghị định 156/2020/NĐ-CP)

e. Tăng mức phạt với vi phạm quy định về công bố thông tin trong hoạt động chứng khoán

- Nâng mức xử phạt từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng lên thành 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng với hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Chứng khoán.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán; hoạt động văn phòng đại diện; hoạt động lưu ký, hoạt động bù trừ và thanh toán chứng khoán; hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5a Điều này.

(Theo điểm c Khoản 33 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Khoản 5 Điều 42 Nghị định 156/2020/NĐ-CP).