BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 04/2022

14:01 | 20/04/2022

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 04/2022

(TỪ NGÀY 05.04.2022 – 20.04.2022)

VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH

1. Nghị quyết 48/NQ-CP - Nghiên cứu phân vùng hạn chế xe máy tại 5 thành phố lớn
Nghị quyết 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025, có hiệu lực từ ngày 05/04/2022

Theo đó, UBND các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM cần tập trung thực hiện:

- Nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Như vậy, các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Ngoài ra, 05 thành phố trên cũng triển khai một số nhiệm vụ khác đơn cử như:

- Nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào;

- Triển khai rà soát, bố trí các vị trí đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình bảo đảm an toàn giao thông cho các đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp;

- Tăng cường quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường để đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ; quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường làm điểm trông giữ xe, trung chuyển vật liệu xây dựng…; thực hiện nghiêm quy định về hành lang an toàn giao thông, không để tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây cản trở giao thông;..

2. Công văn 1163/TCHQ-TXNK - Phương án kiểm tra, chấn chỉnh công tác hoàn thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa

Công văn 1163/TCHQ-TXNK về việc chấn chỉnh thực hiện công tác hoàn thuế do Tổng cục Hải quan ban hành, có hiệu lực từ ngày 05/04/2022.

Cụ thể, đối với công tác hoàn thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa, Tổng cục Hải quan đề ra các phương án kiểm tra, chấn chỉnh đơn cử như sau:

- Thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết thời hạn hoàn thuế theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế , Nghị định 126/2020/NĐ-CP , Thông tư 06/2021/TT-BTC .

- Đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước khi hoàn thuế nhưng đã phân loại thuộc diện hoàn trước kiểm tra sau thì phải tổ chức kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với tất cả các trường hợp này theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 06/2021/TT-BTC .

- Khi phát hiện đã hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc không xuất khẩu sản phẩm vào khu phi thuế quan thì thực hiện thu hồi số tiền thuế đã hoàn theo quy định.

- Thực hiện kiểm tra đối với hồ sơ thuộc diện hoàn trước theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Quản lý thuế , khoản 4 Điều 12 Thông tư 06/2021/TT-BTC , Điều 21 Quy trình miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 3994/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2021.

Báo cáo kết quả thực hiện các nội dung được yêu cầu theo quy định tại điểm 2.8 Mục I Công văn 1163/TCHQ-TXNK về Cục Thuế xuất nhập khẩu trước ngày 30/6/2022.

3. Quyết định 10/2022/QĐ-TTg - Điều kiện để được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại 4 tỉnh thành

Thủ tướng ban hành Quyết định 10/2022/QĐ-TTg quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha, có hiệu lực từ ngày 06/4/2022.

Theo đó, điều kiện để được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại 4 tỉnh thành (Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ) bao gồm:

- Dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định 10/2022.

Đơn cử như chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha trên địa bàn TP.Hải Phòng, TP.Cần Thơ.

- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

- Đã được chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật mà văn bản chấp thuận còn hiệu lực đến thời điểm đề xuất; đối với dự án phải thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai thì phải được HĐND cấp tỉnh thông qua.

- Có Phương án trồng rừng thay thế và đảm bảo kinh phí trồng rừng thay thế được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án đối với dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế hoặc phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt.

4. Công văn 1909/BYT-DP - Không cách ly F1 từ ngày 15/4/2022

Công văn 1909/BYT-DP về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần, có hiệu lực từ ngày 15/04/2022.

Theo đó, trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định, người tiếp xúc gần (F1) phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp y tế sau:

- Bảo đảm biện pháp phòng tránh lây nhiễm: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch/dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là tránh tiếp xúc người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng; không dùng chung vật dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập; hạn chế đến những nơi tập trung đông người.

- Tự theo dõi sức khoẻ (đối với trẻ em, học sinh thì cha mẹ/người giám hộ/giáo viên theo dõi sức khỏe cho trẻ em, học sinh), khi có triệu chứng của bệnh (sốt và ho; hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở) cần báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

- Khi có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn, chăm sóc, điều trị và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm theo quy định.

Như vậy, từ ngày 15/4/2022, F1 không phải cách ly tại nhà.

5. Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH - Nguyên tắc bổ sung, đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động, có hiệu lực từ ngày 15/4/2022.

Theo đó, quy định nguyên tắc sửa đổi, bổ sung, đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:

- Việc rà soát, đánh giá phải được thực hiện đối với nghề, công việc thuộc ngành, lĩnh vực cụ thể.

- Quá trình chọn mẫu để rà soát, đánh giá phải được thực hiện phù hợp với từng loại hình, quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đại diện vùng, miền lấy mẫu.

- Kết quả rà soát, đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động được sử dụng để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề là kết quả rà soát, đánh giá được thực hiện trong thời gian không quá 12 tháng cho đến tháng đề xuất.

Ngoài ra, theo Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH , việc sửa đổi, bổ sung, đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được thực hiện như sau:

- Căn cứ vào kết quả phân loại lao động theo phương pháp được quy định tại Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH , trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề thì người sử dụng lao động có văn bản gửi bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan để xem xét, tổng hợp, đồng thời gửi Bộ LĐTBXH.

- Bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; xem xét ý kiến của người sử dụng lao động để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ, gửi Bộ LĐTBXH.