BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 06/2023

15:58 | 20/06/2023
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 06/2023
(TỪ NGÀY 05.06.2023 – 20.06.2023)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
 
1. Công văn 2392/TCT-QLRR - Tổng cục Thuế chỉ đạo kiểm tra hóa đơn điện tử
Đây là nội dung tại Công văn 2392/TCT-QLRR do Tổng cục Thuế ban hành về việc kiểm tra hóa đơn điện tử, có hiệu lực từ ngày 14/6/2023.
Tổng cục Thuế đã xây dựng chức năng trên ứng dụng hóa đơn điện tử đáp ứng yêu cầu kiểm soát hóa đơn điện tử, ngăn chặn tình trạng xuất hóa đơn khống. Một số chức năng chính như sau:
+ Hệ thống tự động kiểm soát tổng giá trị hàng hóa bán ra trên các hóa đơn đã xuất so với ngưỡng giá trị hàng hóa đầu vào được tính toán bằng K lần tổng giá trị hàng tồn kho và tổng giá trị hàng hóa mua vào.
+ Hệ thống cảnh bảo thực hiện theo tham số K.
Trên cơ sở đó, các trường hợp người nộp thuế vượt ngưỡng sẽ cảnh báo và đưa vào danh sách quản lý. Sử dụng chức năng tra cứu danh sách người nộp thuế cảnh báo để xem xét, xác định các trường hợp thuộc diện ngừng sử dụng hóa đơn theo quy định. Cơ quan thuế sử dụng chức năng đã có khi triển khai phần mềm hóa đơn điện tử để thông báo ngừng tiếp tục sử dụng hóa đơn (đáp ứng quy định tại Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP).
Trước khi thực hiện triển khai chính thức, Tổng cục Thuế tổ chức kiểm tra kết quả kiểm soát theo giá trị hệ số K ban đầu. Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế tổ chức kiểm tra "Danh sách người nộp thuế thuộc diện giảm sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn" theo hướng dẫn dưới đây.
- Kế hoạch thực hiện:
Chức năng "Danh sách cảnh báo sử dụng hóa đơn” tại ứng dụng hóa đơn điện tử phục vụ cho công tác kiểm soát hóa đơn điện tử, ngăn chặn tình trạng xuất hóa đơn khống trên phần hệ ứng dụng hóa đơn điện tử được triển khai từ ngày 15/6/2023.
- Tổ chức thực hiện:
Cục Thuế phân công công chức phụ trách triển khai thực hiện kết xuất “Danh sách người nộp thuế thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn” trên chức năng liên quan tại Ứng dụng hóa đơn điện tử với tham số ngày giám sát là 14/6/2023 (theo đó, dữ liệu kiểm soát sẽ được tổng hợp đến hết ngày 14/6/2023). Trên cơ sở danh sách kết xuất được, cơ quan thuế phân công công chức thực hiện kiểm tra người nộp thuế theo quy định hiện hành.
Báo cáo và đề xuất gửi về Tổng cục Thuế (qua Ban Quản lý rủi ro) trước ngày 30/6/2023.
 
2. Thông tư 03/2023/TT-BXD - Nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu
Thông tư 03/2023/TT-BXD sửa đổi Điều 3 Thông tư 09/2021/TT-BXD hướng dẫn thực hiện nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có hiệu lực từ ngày 15/6/2023.
Theo đó, nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu như sau:
(1) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2, 3, 5 và 6 Điều 11 Nghị định 25/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 108 Nghị định 31/2021/NĐ-CP) và các điều kiện sau:
- Không sử dụng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Nhà ở để đầu tư xây dựng công trình;
- Không thuộc các trường hợp quy định tại điểm c và d khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 09/2021/TT-BXD);
- Đã có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Có quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt thì phải thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch phân khu đối với khu vực có yêu cầu phải lập quy hoạch phân khu, hoặc đã được phê duyệt quy hoạch chung đối với khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu.
Đồng thời, khu đất dự kiến thực hiện dự án nhà ở phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực để quy định các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch và các yêu cầu liên quan về kết nối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
(Thông tư 09/2021/TT-BXD quy định: Có quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).
(2) Quy trình chi tiết, trình tự thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thông qua hình thức đấu thầu được áp dụng như quy định của pháp luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
(3) Nhà đầu tư trúng thầu là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
 
3. Công văn 2426/TCT-KK - Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính về hoàn thuế GTGT
Đây là nội dung tại Công văn 2426/TCT-KK về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về hoàn thuế GTGT, có hiệu lực từ ngày 15/6/2023.
Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị đồng chí Cục trưởng Cục Thuế, định kỳ chậm nhất trước 16 giờ Thứ Sáu hàng tuần, phân công đơn vị đầu mối tổng hợp kết quả thực hiện các công việc nêu tại Công văn 2099/TCT-KK đến thời điểm báo cáo, gửi về Tổng cục Thuế qua Vụ Kê khai và Kế toán thuế (địa chỉ thư điện tử pdphi@gdt.gov.vn), cụ thể như sau:
- Báo cáo kết quả đối thoại với các Hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bản theo nội dung nêu tại điểm 4 Công văn 2099/TCT-KK bao gồm:
Tên Hiệp hội, doanh nghiệp đã thực hiện đối thoại, thời gian thực hiện, nội dung đối thoại, kết quả giải quyết hoàn thuế của NNT tham gia đối thoại (hồ sơ đề nghị hoàn, số tiền đề nghị hoàn, số tiền đã được giải quyết hoàn thuế, số tiền chưa được giải quyết hoàn thuế, thời gian dự kiến hoàn thuế cho doanh nghiệp) theo mẫu biểu đính kèm Công văn 2426/TCT-KK.
- Báo cáo các vướng mắc về chính sách hoàn thuế GTGT, công tác quản lý hoàn thuế GTGT; đề xuất, kiến nghị.
- Đối với các hồ sơ hoàn thuế đã tiếp nhận, đang giải quyết hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế có thời gian kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đến nay đã trên 40 ngày, Tổng cục Thuế đề nghị đồng chỉ Cục trưởng Cục Thuế giao cho bộ phận đầu mối (ví dụ bộ phận thẩm định pháp chế hoặc kiểm tra nội bộ) phối hợp và làm việc trực tiếp với các phòng Thanh tra - Kiểm tra và các Chi cục Thuế đang chủ trì giải quyết hồ sơ hoàn thuế để làm rõ nội dung tồn tại, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh công tác giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế.
Đồng thời, định kỳ theo thời hạn nêu tại Công văn 2426/TCT-KK, báo cáo về Tổng cục Thuế tình trạng giải quyết của các hồ sơ hoàn thuế trọng điểm theo danh sách Tổng cục Thuế gửi kèm Công văn 2426/TCT-KK bao gồm:
Mã số thuế, tên NNT, kỳ hoàn thuế, số tiền đề nghị hoàn, ngày ban hành Quyết định kiểm tra/ thanh tra tại trụ sở NNT, ngày kết thúc kiểm tra/ thanh tra tại trụ sở NNT, số lần gia hạn hoãn/ giãn kiểm tra/ thanh tra tại trụ sở NNT hoặc cung cấp thông tin tài liệu (nếu có), tiến độ/kết quả xác minh/đối chiếu hóa đơn/nguồn gốc hàng hóa mua vào (nếu có), các vấn đề vướng mắc liên quan (nếu có) và nêu rõ thời hạn dự kiến ban hành Quyết định hoàn thuế.
(Mẫu biểu báo cáo ban kèm theo Công văn 2426/TCT-KK)
 
4. Nghị quyết 90/NQ-CP - Triển khai xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026-2030
Chính phủ ban hành Nghị quyết 90/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có hiệu lực từ ngày 16/6/2023.
Theo đó, việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026-2030 thực hiện theo pháp luật về đất đai trên cơ sở nhu cầu cho phát triển, bảo đảm khả thi, hiệu quả, bền vững, và phù hợp với các định hướng sử dụng đất quốc gia xác định tại Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội, như sau:
- Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia.
Ưu tiên quỹ đất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thể dục, thể thao, nhã ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
+ Quản lý diện tích đất trồng lúa 3,5 triệu ha.
Trong phạm vi diện tích phù hợp, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng tỷ để có thể chuyển đổi trở lại trống lúa khi cần thiết.
Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đi đối với việc bảo đảm lợi ích của người trồng lúa và địa phương trồng lúa.
+ Quản lý chặt chẽ đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, bảo vệ diện tích và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; phát triển và nâng cao chất lượng rừng trồng.
+ Mở rộng diện tích đất khu công nghiệp, tập trung tại các vùng động lực, gắn kết với các hành lang kinh tế, các trung tâm logistics, các đầu mối vận tải (ga đường sắt, cảng biển, cảng hàng không...) để giảm chi phí sản xuất; tiếp tục mở rộng đất đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
+ Bảo đảm quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh.
 
5. Quyết định 700/QĐ-TTg - Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến 2065
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 700/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, có hiệu lực từ ngày 16/6/2023.
Phạm vi và quy mô điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến 2065
(1) Phạm vi ranh giới lập điều chỉnh quy hoạch: Toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 12 quận; 17 huyện; 01 thị xã).
Ranh giới hành chính được giới hạn như sau:
- Phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Vĩnh Phúc;
- Phía Nam giáp tỉnh Hà Nam và tỉnh Hòa Bình;
- Phía Đông giáp các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên;
- Phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ.
(2) Quy mô lập quy hoạch: Khoảng 3.359,84 km2 (số liệu diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch trên cơ sở cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).
Dự báo phát triển sơ bộ về quy mô dân số và quy mô đất đai
(1) Về quy mô dân số:
- Dự kiến đến năm 2030: Khoảng 11,410 ÷ 11,950 triệu người (trong đó dân số thường trú khoảng 10,5 ÷ 11,0 triệu người);
- Dự kiến đến năm 2045: Khoảng 13,740 ÷ 14,600 triệu người (trong đó dân số thường trú khoảng 12,5 ÷ 13,2 triệu người).
(2) Về quy mô đất đai:
- Dự kiến đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 110.000 ÷ 120.000 ha; đất xây dựng nông thôn khoảng 34.000 ÷ 35.000 ha;
- Dự kiến đến năm 2045: Đất xây dựng đô thị khoảng 130.000 ÷ 135.000 ha; đất xây dựng nông thôn khoảng 30.000 ÷ 34.000 ha.
Việc phân tích, đánh giá, dự báo quy mô dân số và quy mô đất đai theo từng giai đoạn được nghiên cứu, xác định trong quá trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch.
Mục tiêu điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến 2065
- Phát triển Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
- Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà.
- Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị.
Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn.
Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về văn hóa, lịch sử, di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp hài hòa với phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.
- Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội.
Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.
Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh.
- Là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
6. Công điện 557/CĐ-TTg - Miễn phí, lệ phí khi chuyển đổi giấy tờ do sáp nhập huyện, xã
Thủ tướng ban hành Công điện 557/CĐ-TTg về rà soát, hoàn thiện các quy định về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, có hiệu lực từ ngày 18/6/2023.
Theo đó, để khắc phục những hạn chế khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Bộ Tài chính hướng dẫn theo thẩm quyền:
+ Công tác lập dự toán, định mức chi, việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã;
+ Việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp;
+ Việc thực hiện quy định về miễn phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
- Bộ Nội vụ:
+ Tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp ĐVHC ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030;
+ Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của các địa phương.
+ Khẩn trương xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn việc giải quyết dôi dư đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp.
+ Hướng dẫn việc lập hồ sơ đề nghị xét công nhận ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp là vùng an toàn khu, xã an toàn khu, xã đảo, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
+ Hướng dẫn việc rà soát, điều chỉnh, công nhận là huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp;
+ Hướng dẫn việc rà soát, điều chỉnh các chính sách thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội khác tại ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp.
 
7. Thông tư 5/2023/TT-BNV - Mẫu hợp đồng dịch vụ và mẫu hợp đồng lao động với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập
Thông tư 5/2023/TT-BNV hướng dẫn mẫu hợp đồng dịch vụ và mẫu hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ ngày 20/6/2023.
Theo đó, ban hành kèm theo mẫu hợp đồng dịch vụ (Phụ lục I) và mẫu hợp đồng lao động (Phụ lục II) đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện nay, theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP thì các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan, gồm:
- Lái xe, bảo vệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 111/2022/NĐ-CP ;
- Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
 
8. Thông tư 09/2023/TT-BYT - Danh mục khám chuyên khoa phụ sản trong khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ
Thông tư 09/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe, có hiệu lực từ ngày 20/6/2023.
Theo đó, danh mục khám chuyên khoa phụ sản trong khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ gồm:
(i) Khám phụ khoa:
- Khám vùng bụng dưới và vùng bẹn.
- Khám bộ phận sinh dục ngoài.
- Khám âm đạo bằng mỏ vịt kết hợp quan sát cổ tử cung bằng mắt thường.
- Khám âm đạo phối hợp nắn bụng (khám bằng hai tay).
- Khám trực tràng phối hợp nắn bụng (khám bằng hai tay).
(ii) Sàng lọc ung thư cổ tử cung.
(iii) Sàng lọc ung thư vú.
(iv) Siêu âm tử cung-phần phụ (chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sỹ khám)