BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 08/2022

09:43 | 22/08/2022
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02 - THÁNG 08/2022
(TỪ NGÀY 06.08.2022 – 20.08.2022)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Nghị định 43/2022/NĐ-CP - Đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch
Nghị định 43/2022/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, có hiệu lực từ ngày 08/8/2022.
Theo đó, đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung và cấp nước sạch đô thị bao gồm:
- Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cấp nước sạch;
- Doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước có chức năng sản xuất, kinh doanh nước sạch theo quy định của pháp luật về đầu tư, về doanh nghiệp, về sản xuất, kinh doanh nước sạch;
- Cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch.
Riêng đối với cấp nước sạch nông thôn tập trung thì còn có thêm UBND cấp xã cũng là đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.
Tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch (bao gồm cả đất gắn với công trình kết cấu hạ tầng cấp nước sạch) gồm: công trình khai thác nước, công trình xử lý nước, mạng lưới đường ống cung cấp nước sạch và các công trình phụ trợ có liên quan.
2. Nghị định 52/2022/NĐ-CP - Bổ sung nhiệm vụ của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản
Chính phủ ban hành Nghị định 52/2022/NĐ-CP quy định chức năng, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, có hiệu lực từ ngày 08/8/2022 và thay thế Nghị định 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017.
Theo đó, Bộ Xây dựng được giao xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường bất động sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao, kết nối và chia sẻ với cơ sở dữ liệu về đất đai quốc gia;
(So với trước đây, bổ sung nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường bất động sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao).
Xây dựng và công bố các chỉ số đánh giá thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản như sau:
Xây dựng các đề án, chính sách phát triển, quản lý thị trường bất động sản; chỉ đạo thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện và quản lý kinh doanh bất động sản;
Quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản;
Hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; ban hành mẫu chứng chỉ môi giới bất động sản; hướng dẫn, kiểm tra việc cấp và quản lý chứng chỉ môi giới bất động sản;
Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
3. Công văn 5520/BKHĐT-QLĐT - 05 bước chỉ định thầu thông thường
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Công văn 5520/BKHĐT-QLĐT hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 08/8/2022.
Trong đó, quy định 05 bước chỉ định thầu thông thường đối với gói thầu về hạ tầng giao thông và y tế tại Nghị quyết 43/2022/QH15 như sau:
Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu
- Lập hồ sơ yêu cầu;
- Thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu và xác định nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu.
Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu
- Hồ sơ yêu cầu được phát hành cho nhà thầu đã được xác định;
- Nhà thầu chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu.
Bước 3: Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu
Bước 4: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu
Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất, bên mời thầu trình kết quả lựa chọn nhà thầu, trong rõ đó nêu rõ ý kiến của bên mời thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia.
Kết quả lựa chọn nhà thầu phải được thẩm định theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 4 Điều 106 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
Bước 5: Hoàn thiện và ký kết hợp đồng
Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ đề xuất, hồ sơ yêu cầu và các tài liệu liên quan khác.
4. Quyết định 964/QĐ-TTg - Mục tiêu hoàn thiện chính sách pháp luật về an ninh mạng
Thủ tướng ban hành Quyết định 964/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, có hiệu lực từ ngày 10/8/2022.
Theo đó, nhiệm vụ hoàn thiện hành lang pháp lý của Bộ Công an như sau:
- Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh mạng đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, định hướng điều chỉnh đầy đủ các lĩnh vực phát sinh hành vi sử dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia;
Nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ DLQG, DLCN, quy định hoạt động thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu công dân Việt Nam và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia Việt Nam trên không gian mạng.
- Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL về an ninh mạng để đồng bộ, thống nhất, toàn diện, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
- Xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, các văn bản QPPL về điều kiện kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, nhất là các sản phẩm, dịch vụ sử dụng trong hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ KH&CN nghiên cứu, áp dụng cơ chế khoán chi cho các đề tài khoa học về an toàn, an ninh mạng.
5. Nghị quyết 24/2022/UBTVQH15 - Tiếp tục hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Nghị quyết 24/2022/UBTVQH15 về tiếp tục chỉ trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 11/8/2022.
Theo đó, sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng hạn.
Theo Nghị quyết 03, đối tượng được hỗ trợ bao gồm:
- NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức CT-XH, đơn vị vũ trang nhân dân và ĐVSN công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên);
- NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐ làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Thời gian thực hiện chi trả hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/9/2022.
6. Công văn 2216/BHXH-CSXH - Hướng dẫn tiếp tục chi hỗ trợ cho người lao động từ quỹ BHTN
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn 2216/BHXH-CSXH về tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ban hành ngày 12/8/2022.
Theo đó, những người sau đây đã nộp hồ sơ đúng thời hạn quy định và đã được BHXH tỉnh/thành phố tổng hợp, báo cáo BHXH Việt Nam được điếp tục hỗ trợ:
- NLĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và ĐVSN công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên);
- NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐ làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Thời gian thực hiện chi trả hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/9/2022.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 24/2022/UBTVQH15 tiếp tục hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021.
Trong đó, sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn.
7. Nghị định 42/2022/NĐ-CP - Chỉ còn 02 mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Chính phủ ban hành Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, có hiệu lực từ ngày 15/8/2022 và thay thế Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011.
Theo đó, chỉ còn 02 mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ ngày 15/8/2022.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 11 Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 02 mức độ bao gồm:
- Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng.
Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
- Dịch vụ công trực tuyến một phần: là dịch vụ công trực tuyến không bảo đảm các điều kiện quy định nêu trên.
Cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng trừ trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc cơ quan nhà nước phải đi thẩm tra, xác minh tại hiện trường theo quy định của pháp luật.
(Hiện hành, dịch vụ công trực tuyến được cung cấp theo 04 mức độ quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 43/2011/NĐ-CP).
8. Nghị định 44/2022/NĐ-CP - 03 hình thức khai thác cơ sở dữ liệu về nhà ở
Nghị định 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, có hiệu lực từ ngày 15/8/2022.
Theo Nghị định, chỉ còn 03 hình thức khai thác cơ sở dữ liệu nhà ở so với quy định hiện hành.
Cụ thể, khoản 2 Điều 24 Nghị định 44/2022/NĐ-CP quy định 03 hình thức khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản như sau:
- Qua Cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (http://www.batdongsan.xaydung.gov.vn); Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng.
- Thông qua phiếu yêu cầu và văn bản yêu cầu.
- Bằng hợp đồng giữa cơ quan quản lý hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản và bên khai thác, sử dụng dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật.
(Theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 117/2015/NĐ-CP hiện hành, việc khai thác và sử dụng dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được thực hiện qua 05 hình thức như sau:
- Qua mạng internet;
- Qua trang thông tin điện tử do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản quy định;
- Qua mạng chuyên dùng;
- Thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu;
- Bằng hợp đồng giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản và bên khai thác, sử dụng dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật)..