Bản tin pháp luật số 1 - tháng 10/2015

10:33 | 13/11/2015

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 1 – THÁNG 10/2015

1. Thay đổi lệ phí cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài 

Thông tư 157/2015/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 23/11/2015.

Theo đó, lệ phí cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có những thay đổi như sau:

- Lệ phí cấp thẻ tạm trú có thời hạn từ 01 năm đến không quá 02 năm: tăng từ 100 USD lên 145 USD.

- Lệ phí cấp thẻ tạm trú có thời hạn từ 02 năm đến không quá 05 năm là 155 USD.

- Lệ phí cấp thẻ tạm trú đối với người nước ngoài được Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực nhiều lần ký hiệu LĐ, ĐT thời hạn trên 01 năm: 5 USD.

Ngoài ra, lệ phí gia hạn tạm trú của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là 10 USD.

Thông tư 157/2015/TT-BTC thay thế các Thông tư 66/2009/TT-BTC; Thông tư 113/2009/TT-BTC; Thông tư 97/2011/TT-BTC; Thông tư 190/2012/TT-BTC.

 2. Áp dụng mẫu sổ BHXH mới từ ngày 01/01/2016

Từ ngày 01/01/2016, sẽ áp dụng mẫu sổ BHXH mới theo Quyết định 1035/QĐ-BHXH quy định về mẫu sổ bảo hiểm xã hội (BHXH).  Theo đó, nội dung các tiêu thức quản lý người tham gia BHXH có một số điểm mới như sau:

- Phải ghi quốc tịch của người tham gia.

- Về trường hợp ghi Số Chứng minh nhân dân: Trường hợp người tham gia vừa có chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước thì ghi theo thứ tự ưu tiên chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước.

- Sổ BHXH mới không cần các thông tin về Hộ khẩu thường trú; tên đơn vị và địa chỉ nơi đóng BHXH.

Các quy định về phôi sổ, màu sắc sổ, kích thước, chất liệu giấy của sổ BHXH năm 2016 không thay đổi nhiều so với trước.

Sổ BHXH đã cấp theo mẫu quy định tại các Quyết định 1443/LĐTBXH, Quyết định 3339/QĐ-BHXH và Quyết định 1518/QĐ-BHXH tiếp tục được sử dụng để giải quyết các chế độ BHXH.

Quyết định 1035/QĐ-BHXH thay thế Quyết định 1518/QĐ-BHXH năm 2011; Quyết định 3339/QĐ-BHXH năm 2008.

3. Phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước

Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định như sau: 

Sau khi bù đắp lỗ năm trước theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), trích Quỹ phát triển khoa học công nghệ và nộp thuế TNDN, phần lợi nhuận còn lại được phân phối theo thứ tự:

- Chia lãi cho các bên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng kinh tế đã ký kết (nếu có).

- Bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế.

- Lợi nhuận còn lại sau khi trừ các khoản trên được phân phối theo thứ tự sau:

 + Trích quỹ đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (nếu có).

 + Trích tối đa 30% vào quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

 + Trích quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp.

 + Trích quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên.

 + Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ trên được nộp về ngân sách nhà nước. 

Nghị định 91/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2015 và thay thế Nghị định 71/2013/NĐ-CP và Nghị định 09/2009/NĐ-CP.

4. Giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước

Chính phủ ban hành Nghị định 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN), giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DN nhà nước.

Theo đó, nội dung giám sát đối với DN nhà nước bao gồm:

- Giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn.

- Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN.

- Giám sát kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

- Giám sát chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại DN; ban hành và thực hiện quy chế quản lý tài chính của DN.

- Giám sát việc cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DN, cơ cấu lại vốn của DN đầu tư tại công ty con, công ty liên kết.

- Giám sát thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý DN, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của DN theo quy định của Bộ luật Lao động.

Nghị định 87/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2015 và áp dụng cho năm tài chính 2016 trở đi.

5. Phạt chậm đóng kinh phí công đoàn

Quy định này được đề cập tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn (KPCĐ)  tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) có một trong các hành vi sau:

- Chậm đóng KPCĐ. 

- Đóng KPCĐ không đúng mức quy định.

- Đóng KPCĐ không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.

Trường hợp NSDLĐ không đóng KPCĐ cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng thì phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt, NSDLĐ phải nộp toàn bộ số tiền chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và tiền lãi theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Nghị định 88/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/11/2015.