BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 09/2022

10:42 | 06/09/2022
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 09/2022
(TỪ NGÀY 21.08.2022 – 05.09.2022)
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Quyết định 1391/QĐ-TCT - Quy trình quản lý đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Tổng cục Thuế ban hành Quyết định 1391/QĐ-TCT về Quy trình quản lý hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, có hiệu lực từ ngày 23/8/2022.
Theo đó, quy trình quản lý thông tin đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được quy định chi tiết như sau:
Bước 1:
Trong thời gian 15 phút kể từ khi nhận được Tờ khai Mẫu số 01 /ĐKTĐ-HĐĐT (phụ lục kèm theo Quyết định 1391), Cổng điện tử tự động đối chiếu thông tin trên Tờ khai số Mẫu số 01 /ĐKTĐ-HĐĐT.
Căn cứ vào kết quả đối chiếu, Cổng điện tử tự động tạo thông báo về việc tiếp nhận/ không tiếp nhận tờ khai/ thay đổi thông tin sử dụng HĐĐT (Mẫu 01 /TB-TNĐT), ký, gửi NNT theo địa chỉ thư điện tử của NNT đã đăng ký và qua tổ chức truyền nhận.
Bước 2:
Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày Cổng điện tử gửi thông báo về việc tiếp nhận, trường hợp NNT đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền thì Hệ thống HĐĐT-CTĐT tự động đối chiếu các nội dung thông tin trên Mẫu số 01 /ĐKTĐ-HĐĐT.
Bước 3:
Căn cứ kết quả đối chiều bước 1, 2, công chức bộ phận tiếp nhận thông tin đăng ký và dữ liệu hóa đơn điện tử xác nhận chấp nhận hoặc từ chối và nhập lý do từ chối.
Hệ thống HĐĐT-CTĐT tự động thông báo về việc chấp nhận/không chấp nhận đăng ký/thay đổi thông tin sử dụng HĐĐT.
Bước 4:
Ban hành thông báo Mẫu số 01/TB-ĐKĐT tại phụ lục ban hành kèm gửi NNT.
Bước 5:
Cập nhật danh sách NNT sử dụng/ngừng sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
2. Nghị quyết 108/NQ-CP - Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030
Đây là nội dung tại Nghị quyết 108/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, có hiệu lực từ ngày 26/8/2022.
Theo đó, Chính phủ đề ra các giải pháp cần thực hiện ngay để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch và bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch, trong đó Bộ KH&ĐT chủ trì thực hiện:
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn trình Chính phủ.
Trong đó, đảm bảo quy định chi tiết các nội dung đã được giao tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 61/2022/QH15.
Thời gian hoàn thành: Quý I/2023.
- Xây dựng kế hoạch, tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo Luật Quy hoạch bảo đảm khả thi và chất lượng theo yêu cầu tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 61/2022/QH15, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Thời gian hoàn thành: Tháng 8/2022.
- Sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17/5/2019 hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thời gian hoàn thành: Quý I/2023.
3. Chỉ thị 13/CT-TTg - Thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản
Đây là nội dung tại Chỉ thị 13/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, có hiệu lực từ ngày 29/8/2022.
Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập và tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng:
Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản.
Phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, đình chỉ,… các dự án kinh doanh bất động sản theo quy định.
4. Nghị quyết 111/NQ-CP - Khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Nghị quyết 111/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022 do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 30/8/2022.
Theo đó, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến 4 dự án Luật lớn, phức tạp, tác động lớn đến phát triển KT - XH, doanh nghiệp và đời sống Nhân dân, nhất là dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Cụ thể, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai tiếp tục quán triệt các quan điểm, yêu cầu sau:
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao;
Kế thừa hiệu quả các quy định hiện hành, kiên quyết tháo gỡ nút thắt trong quản lý, sử dụng đất, tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính;
Thứ hai, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là sửa đổi toàn diện có tác động đến nhiều Luật khác trong hệ thống pháp luật;…
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động, phát huy trách nhiệm trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của từng địa phương gắn với trách nhiệm, thẩm quyền được giao;…
5.  Nghị định 47/2022/NĐ-CP - Quy định mới trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.
 Theo đó, Nghị định 47/2022/NĐ-CP bổ sung một số quy định sau:
- Để đảm bảo an toàn giao thông, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về:
+ Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có);
+ Họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
- Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách;
- Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
- Từ ngày 01/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu.
6. Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 - Tự ý ghi âm, chụp ảnh HĐXX, người tham gia xét xử có thể bị phạt đến 15 triệu đồng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.
Theo đó, phạt tiền từ 07 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với các hành vi sau:
- Hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa;
- Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính sẽ bị phạt tiền từ 07 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
- Không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự;
- Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào phòng xử án;
- Mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy hoặc chất độc vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa;
Ngoài ra, hình thức xử phạt tiền hành vi tự ý ghi âm, chụp ảnh HĐXX, người tham gia xét xử có thể bị:
+ Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh, số lợi bất hợp pháp.