BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 10/2022

10:37 | 05/10/2022
BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01 - THÁNG 10/2022
(TỪ NGÀY 21.09.2022 – 05.10.2022)
 
VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
1. Quyết định 1521/QĐ-TCT - Ban hành Quy trình quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế
Quyết định 1521/QĐ-TCT của Tổng cục thuế về việc ban hành Quy trình quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, có hiệu lực từ ngày 22/09/2022.
Cụ thể, nội dung Quy trình quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế gồm:
- Quy trình cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
- Quy trình quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế của đại lý thuế và quản lý hành nghề của nhân viên đại lý thuế.
- Quy trình quản lý cập nhật kiến thức.
Trong đó, có hướng dẫn Quy trình xử lý đại lý thuế (ĐLT) tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoạt động, kinh doanh trở lại sau khi tạm ngừng như sau:
ĐLT đang hoạt động chuyển sang tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc đang tạm ngừng hoạt động, kinh doanh chuyển sang hoạt động trở lại theo quy định về đăng ký thuế thì Phân hệ đăng ký thuế tự động chuyển thông tin sang Phân hệ quản lý ĐLT.
- Trường hợp tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, Phân hệ quản lý ĐLT thực hiện như sau:
+ Tự động cập nhật trạng thái “ĐLT tạm ngừng hoạt động kinh doanh" đồng thời công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử.
+ Tự động gửi thông tin sang Phân hệ XLTK để cập nhật trạng thái DLT tạm ngừng cung cấp dịch vụ làm thủ tục về thuế; gửi thông tin cho NNT đang sử dụng dịch vụ của ĐLT (nếu có).
- Trường hợp ĐLT trở lại hoạt động, kinh doanh sau khi tạm ngừng:
+ Bộ phận quản lý ĐLT tại Cục Thuế kiểm tra điều kiện hoạt động của ĐT và nhân viên ĐLT. Trường hợp đủ điều kiện thi cập nhật vào Phân hệ quản lý ĐLT để bỏ trạng thái “ĐLT tạm ngừng hoạt động, kinh doanh " đồng thời công khai thông tin trên Cổng TTĐT.
+ Phân hệ quản lý ĐLT tự động gửi thông tin sang Phân hệ XLTK để cập nhật trạng thái DLT tiếp tục cung cấp dịch vụ làm thủ tục về thuế.
2. Quyết định 1606/QĐ-NHNN - Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành
NHNN ban hành Quyết định 1606/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của ngân hàng nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 23/9/2022.
Theo đó, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4%/năm lên 5%/năm;
Tăng lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm;
Tăng lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các TCTD từ 5%/năm lên 6%/năm.
Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Quyết định 1607/QĐ-NHNN ngày 22/9/2022 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại các TCTD.
Theo đó, lãi suất tối đa được áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới mức 1 tháng từ mức 0,2%/năm lên mức 0,5%/năm;
Tăng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm, riêng lãi suất tối đa bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm;
Tăng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
3. Quyết định 1607/QĐ-NHNN - Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND từ 23/9/2022
Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1607/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014, có hiệu lực từ ngày 23/9/2022 và thay thế Quyết định 1729/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020.
Theo đó, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại Thông tư 07/2014/TTNHNN như sau:
- Đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng là 0,5%/năm;
- Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng là 5,0%/năm.
Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm.
Ngoài ra, lãi suất phát sinh trước ngày 23/9/2022 thì được thực hiện cho đến khi hết thời hạn;
Trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận mà tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền thì áp dụng lãi suất mới theo Quyết định 1607/QĐ-NHNN năm 2022.
4. Công điện 05/CĐ-BTC - Tăng cường quản lý, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giá
Công điện 05/CĐ-BTC của Bộ Tài chính về tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường biện pháp quản lý, điều hành giá, ban hành ngày 28/9/2022.
Bộ Tài chính cho biết từ nay đến cuối năm 2022, lạm phát ở một số nước tiếp tục có xu hướng gia tăng, giá xăng dầu thế giới diễn biến bất thường, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược, mặt hàng trong nước có hiện tượng tăng cao...
Từ đó Bộ Tài chính có những yêu cầu để góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đơn cử như:
-  Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Công điện 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá;…
- Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường;
- Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Ngoài ra, BTC cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan như Sở Tài chính, Tổng Cục Thuế, Tổng Cục Hải quan, Tổng Cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.
5. Thông tư 18/2022/TT-BKHĐT - 08 vị trí công tác thuộc lĩnh vực Đầu tư phải định kỳ chuyển đổi
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 18/2022/TT-BKHĐT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Đầu tư ở địa phương, có hiệu lực từ ngày 30/9/2022.
Trong đó, quy định danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực Đầu tư phải thực hiện định kỳ chuyển đổi bao gồm:
- Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài.
- Thẩm định dự án.
- Đấu thầu và quản lý đấu thầu.
- Lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn.
- Quản lý quy hoạch.
- Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế.
- Quản lý doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.
- Quản lý vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Lưu ý: Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc là từ đủ 03 năm đến 05 năm.
6. Nghị định 53/2022/NĐ-CP- Những dữ liệu trên không gian mạng phải lưu trữ tại Việt Nam
Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 01/10/2022.
Theo đó, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ những dữ liệu sau đây tại Việt Nam (hình thức lưu trữ sẽ do doanh nghiệp quyết định):
- Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam;
- Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra: tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu;
- Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: bạn bè, nhóm mà người sử dụng dịch vụ kết nối hoặc tương tác.
Thời gian lưu trữ dữ liệu bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu; thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.