Bản tin pháp luật số 2 - tháng 10/2015

08:28 | 27/11/2015

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 2 – THÁNG 10/2015

1. Giảm thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (DN). Cụ thể:

- Giảm thời hạn cấp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký DN, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký DN của Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) từ 05 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên DN yêu cầu đăng ký không đúng quy định, Phòng ĐKKD phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập DN hoặc DN trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. 

Phòng ĐKKD ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký DN đối với mỗi một bộ hồ sơ do DN nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký DN.

- Người thành lập DN hoặc DN có quyền khiếu nại theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo nếu quá thời hạn nêu trên mà:

+ Không được cấp GCN đăng ký DN, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký DN.

+ Không được thay đổi nội dung đăng ký DN trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN.

+ Không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký DN.

Nghị định 78/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2015.

2. Hướng dẫn quản lý và sử dụng con dấu doanh nghiệp

Từ ngày 08/12/2015, Nghị định 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực.

Theo đó, con dấu doanh nghiệp (DN) được quản lý và sử dụng như sau:

- Các DN đã thành lập trước 01/07/2015 tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp mà không phải thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Trường hợp DN làm thêm con dấu, thay đổi màu mực dấu thì thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu theo quy định về đăng ký DN.

- Trường hợp DN đã thành lập trước 01/7/2015 làm con dấu mới theo quy định tại Nghị định này thì phải nộp lại con dấu và Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp GCN đăng ký mẫu dấu.

Cơ quan công an cấp giấy biên nhận đã nhận lại con dấu tại thời điểm tiếp nhận lại con dấu của DN.

- Trường hợp DN đã thành lập trước 01/7/2015 bị mất con dấu, mất GCN đăng ký mẫu dấu thì DN được làm con dấu theo quy định tại Nghị định này.

Đồng thời, thông báo việc mất con dấu, mất GCN đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp GCN đăng ký mẫu dấu.

Nghị định 96/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 102/2010/NĐ-CP .

 

3. Nghị định mới hướng dẫn Luật nhà ở 2014

Ngày 20/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở 2014. Theo đó, thời hạn sở hữu nhà ở của tổ chức nước ngoài được quy định như sau:

- Tổ chức nước ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở được sở hữu nhà ở tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cấp cho tổ chức đó.

Khi hết hạn sở hữu nhà ở ghi trong GCN, nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm theo Điều 77 Nghị định này.

Nếu GCNĐKĐT không ghi thời hạn thì trong GCN cấp cho chủ sở hữu cũng được ghi không thời hạn.

- Nếu tổ chức nước ngoài bị phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn sở hữu hoặc bị Nhà nước Việt Nam thu hồi GCNĐKĐT hoặc giấy tờ cho phép hoạt động tại Việt Nam thì xử lý theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định này.

Nếu trong thời hạn sở hữu nhà ở mà tổ chức nước ngoài chuyển thành tổ chức trong nước thông qua sáp nhập hoặc chuyển vốn theo quy định pháp luật thì tổ chức này được sở hữu nhà ở lâu dài.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 và bãi bỏ Nghị định  51/2009/NĐ-CP, 71/2010/NĐ-CP, 34/2013/NĐ-CP, 84/2013/NĐ-CP.

4. Hướng dẫn vay vốn mua nhà ở xã hội

Từ ngày 10/12/2015, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 Luật Nhà ở.

- Có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương thức vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.

- Có đủ hồ sơ chứng minh theo Điều 22 Nghị định này.

- Có nguồn thu nhập và có khả năng trả nợ.

- Có Giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trong đó cam kết chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi tại ngân hàng khác.

- Có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư.

- Thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay. 

Mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Thời hạn vay tối thiểu 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Nghị định 100/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 188/2013/NĐ-CP.

5. Một số điều cần lưu ý về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo và xây dựng lại nhà chung cư. Theo đó, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải đảm bảo tuân theo các nguyên tắc sau:

- Phải được triển khai thực hiện theo dự án, không thực hiện việc xây dựng lại đơn lẻ từng nhà (trừ trường hợp chung cư độc lập), đảm bảo phù hợp với yêu cầu tại Khoản 3 Điều 112 Luật nhà ở.

- Mỗi khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại có thể triển khai một hoặc nhiều dự án phù hợp với quy hoạch đô thị do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã được ban hành.

- Nếu chủ sở hữu nhà chung cư có nhu cầu tái định cư tại chỗ mà 01 căn hộ chung cư cũ có từ 02 sổ hộ khẩu trở lên thì ngoài phần diện tích nhà ở mới được bố trí theo quy định, chủ sở hữu được ưu tiên mua thêm căn hộ tại cùng địa điểm theo giá kinh doanh do chủ đầu tư dự án và chủ sở hữu thỏa thuận…

Nghị định 101/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 và thay thế Nghị định 34/2007/NĐ-CP.

6. Chính sách đối với lao động nữ

Từ ngày 15/11/2015, Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Bộ Luật lao động về chính sách đối với lao động nữ có hiệu lực. Theo đó, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau: 

- Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi.

- Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

- Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.

- Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. 

Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định các chế độ khác đối với lao động nữ như quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo tại nơi có nhiều lao động nữ… 

Xem chi tiết tại Nghị định 85/2015/NĐ-CP .

7. Quy định mới về thôi việc với người đại diện phần vốn nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 106/2015/NĐ-CP quy định về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Theo đó, việc thôi việc đối với người đại diện phần vốn nhà nước có thay đổi như sau:

- Khi nhận được đơn xin thôi việc theo nguyện vọng của người đại diện phần vốn góp, chủ sở hữu phải trả lời trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận đơn bằng văn bản về việc có đồng ý cho thôi việc hay không;

Trong văn bản trả lời về việc không đồng ý phải nêu rõ lý do không cho thôi việc. (Quy định hiện hành thì thời hạn trả lời là 30 ngày)

- Về lý do không cho thôi việc “do yêu cầu nhiệm vụ của doanh nghiệp hoặc chưa bố trí được người thay thế” tại Nghị định 66/2011/NĐ-CP đã được bãi bỏ tại Nghị định này. 

Nghị định 106/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 và bãi bỏ Nghị định 66/2011/NĐ-CP.

 

8. Mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài (NN) kèm theo Thông tư 09/2015/TT-BKHĐT. Theo đó, có một số mẫu văn bản đáng chú ý như:

- Mẫu số 1: Bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký đầu tư ra NN;

- Mẫu số 3: Bản đề nghị điều chỉnh GCN đăng ký đầu tư ra NN;

- Mẫu số 8: Mẫu GCN đăng ký đầu tư ra NN;

- Mẫu số 9: Thông báo hoạt động đầu tư ra NN;

- Mẫu số 10: Báo cáo định kỳ hàng quý tình hình thực hiện dự án tại NN;

- Mẫu số 11: Báo cáo định kỳ hàng năm tình hình thực hiện dự án tại NN;

- Mẫu số 12: Mẫu văn bản gia hạn việc chuyển lợi nhuận về nước;

- Mẫu số 15: Mẫu văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực GCN đăng ký đầu tư ra NN;

- Mẫu số 16: Mẫu văn bản thông báo hết hạn hiệu lực GCN đăng ký đầu tư ra NN.

Xem chi tiết tại Thông tư 09/2015/TT-BKHĐT (có hiệu lực kể từ ngày 08/12/2015).

 

9. Hướng dẫn mới về hình thức lựa chọn nhà thầu

Ngày 26/10/2015, Bộ Kế hoạch Đầu tư ban hành Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu.  Theo đó, hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định như sau:

Đối với từng gói thầu cần nêu rõ hình thức lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu trong nước hay quốc tế, có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn hay không, lựa chọn nhà thầu qua mạng hay không trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu.

Trường hợp lựa chọn áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi thì không cần giải trình lý do áp dụng; trường hợp áp dụng đấu thầu quốc tế thì cần giải trình lý do áp dụng đấu thầu quốc tế. 

Các hình thức cụ thể gồm:

- Đấu thầu rộng rãi.

- Đấu thầu hạn chế. 

- Chỉ định thầu.

- Chào hàng cạnh tranh. 

- Mua sắm trực tiếp. 

- Tự thực hiện.

- Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

- Tham gia thực hiện của cộng đồng. 

Nghiêm cấm việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo Luật đấu thầu 2013.

Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 và thay thế Thông tư 02/2009/TT-BKH.

10. Quy định chi tiết về lập hồ sơ yêu cầu đối với một số gói thầu

Thông tư 11/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lập hồ sơ yêu cầu đối với một số gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Luật Đấu thầu, cụ thể bao gồm:

- Gói thầu xây lắp thực hiện chỉ định thầu trong nước theo quy trình thông thường;

- Gói thầu mua sắm hàng hóa thực hiện chỉ định thầu trong nước theo quy trình thông thường;

- Gói thầu xây lắp thực hiện chào hàng cạnh tranh trong nước theo quy trình thông thường;

- Gói thầu mua sắm hàng hóa thực hiện chào hàng cạnh tranh trong nước theo quy trình thông thường;

- Mẫu bản yêu cầu báo giá áp dụng cho gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa thực hiện chào hàng cạnh tranh trong nước theo quy trình rút gọn;

- Mẫu dự thảo hợp đồng áp dụng cho gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa thuộc hạn mức chỉ định thầu.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 22/12/2015 và thay thế Thông tư 04/2010/TT-BKH , 11/2010/TT-BKH. 

11. Quy định mới về thời hạn thẻ đi lại của doanh nhân APEC

Theo Quyết định 54/2015/QĐ-TTg, từ ngày 15/12/2015, thẻ đi lại của doanh nhân APEC (thẻ ABTC) có thời hạn sử dụng 05 năm kể từ ngày cấp thay vì là 03 năm như trước đây. Đồng thời, thay đổi thời hạn giá trị của thẻ ABTC được cấp lại:

- 05 năm tính từ ngày cấp thẻ mới trong trường hợp:

   + Thẻ ABTC còn giá trị sử dụng nhưng doanh nhân đề nghị cấp lại.

  + Có kết luận của Cơ quan điều tra, VKSND, TAND, Cơ quan thi hành án các cấp về việc doanh nhân không vi phạm pháp luật hoặc đã chấp hành xong các nghĩa vụ theo quy định.

- 05 năm tính từ ngày cấp thẻ cũ trong trường hợp:

   + Khi doanh nhân được cấp hộ chiếu mới thì cũng phải cấp lại thẻ ABTC cho phù hợp.

   + Bị cơ quan có thẩm quyền của một nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên ghi trong thẻ ABTC trở lên thông báo thẻ không còn giá trị để nhập cảnh.

   + Khi thẻ ABTC bị mất, hỏng và doanh nhân đề nghị cấp lại.

Thẻ ABTC được cấp trước ngày 01/9/2015 còn thời hạn sẽ được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn ghi trong thẻ.

Xem thêm tại Quyết định 54/2015/QĐ-TTg .