Nhìn trước khó khăn

10:48 | 09/02/2009

Vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế, năm 2008, các doanh nghiệp ngành Xây dựng đã thực hiện tổng giá trị SXKD đạt 105% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2007. Theo Bộ Xây dựng, năm 2009 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi nỗ lực rất cao của từng đơn vị để tận dụng những cơ hội, khắc phục những khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, với sự chủ động ngay từ bây giờ, các DN phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân trong năm 2009 cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành Công nghiệp và xây dựng cả nước

Phấn đấu diện tích ở bình quân đạt 12,5m2 sàn/người

Theo Bộ Xây dựng, năm 2009 sẽ là năm quyết liệt thực hiện Đề án nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đề nghị, mỗi TCty của Bộ tham gia ít nhất một dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại địa phương. Các Sở Xây dựng sẽ làm đầu mối tạo môi trường thông thoáng, thủ tục đơn giản để các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng, đầu tư xây dựng nói chung, tại địa phương mình được thuận lợi, nhanh chóng và có hiệu quả.

Phấn đấu diện tích ở bình quân đạt 12,5m2 sàn/người, phát triển nhà ở tăng thêm khoảng 58,5 triệu m2 sàn (diện tích nhà ở đô thị: 30,2 triệu m2 sàn; diện tích nhà ở nông thôn: 28,3 triệu m2 sàn); xây dựng 450.000m2 nhà ở xã hội, tương đương 9.000 căn hộ, vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ cho khoảng 200.000 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở.

Dự kiến bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê theo Nghị định số 61/CP khoảng 22.800 căn nhà ứng với 798.000m2; thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng khoảng 3.000 người và thực hiện hỗ trợ bằng tiền cho cán bộ tiền khởi nghĩa khoảng 4.500 người (mỗi người 25 triệu đồng); cấp  khoảng 150.000 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở khoảng 5.000 giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

Việc đẩy mạnh phát triển nhà chính là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là huy động các nguồn lực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, là đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Chủ động các nguồn lực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng

Theo Bộ Xây dựng, năm 2009 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi nỗ lực rất cao của từng đơn vị để tận dụng những cơ hội, khắc phục những khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Theo đăng ký của các doanh nghiệp và định hướng của Bộ, mức tăng trưởng bình quân trong năm 2009 của các doanh nghiệp thuộc Bộ phấn đấu đạt cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và xây dựng cả nước. Giá trị SXKD thực hiện năm 2009 dự kiến đạt 118.588.400 triệu đồng, tăng 123% so với năm 2008. Trong đó: Xây lắp: 52.639.493 triệu đồng; tăng 8,6% so với năm 2008; SXVLXD: 40.948.630 triệu đồng; tăng 21,4% so với năm 2008; Tư vấn: 1.800.124 triệu đồng; giảm 9,1% so với năm 2008; Các lĩnh vực khác: 23.201.153 triệu đồng, tăng 8,3% so với năm 2008.

Năm 2009, nhu cầu  tiêu thụ xi măng trên toàn quốc dự kiến tăng 11% so với năm 2008. Sản lượng xi măng dự kiến 44 - 45,5 triệu tấn, tăng 11% so với ước thực hiện năm 2008. Trong đó, TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam sản xuất 16,5 - 17,0 triệu tấn, các đơn vị liên doanh 13 - 13,5 triệu tấn, xi măng lò đứng và các đơn vị sản xuất khác 14,5 - 15,0 triệu tấn. Năm 2009 khả năng sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, song trong 6 tháng đầu năm 2009 có thể vẫn phải nhập khẩu khoảng 800 nghìn tấn clinker.

Về kế hoạch xuất, nhập khẩu, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2009 là 676,5 triệu USD, bằng 70,6% so với ước thực hiện năm 2008. Trong đó: Giá trị nhập khẩu: 481,5 triệu USD; Xuất khẩu: 194,9 triệu USD.

Kế hoạch đầu tư năm 2009 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng dự kiến là 34.684 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2008. Các lĩnh vực đầu tư chính trong năm 2008 vẫn tập trung chủ yếu cho các dự án đầu tư về xi măng (10.312 tỷ đồng) hay  (29,73%), phát triển nhà ở đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã  hội (9.259 tỷ đồng); Nhà máy điện (6.517 tỷ đồng) hay (18,79%); đầu tư tài chính (1.527 tỷ đồng) hay (4,4%); khu công nghiệp tập trung (1.007 tỷ đồng) hay (2,91%)…

Các doanh nghiệp cần chủ động huy động các nguồn lực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tăng đầu tư không chỉ làm cho DN phát triển ổn định và bền vững, tăng GDP trong ngành Xây dựng, tạo ra GDP cho các ngành sản xuất, dịch vụ khi dự án đi vào hoạt động mà còn là nguồn tiêu thụ sản phẩm của các DN khác, ngành khác, qua đó kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Quyết liệt thực hiện các nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế

Để thực hiện các kế hoạch đã đề ra, theo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp phải xây dựng các chương trình hành động cụ thể để thực hiện quyết liệt 5 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng, đảm bảo đời sống ổn định cho người lao động; tận dụng mọi nguồn lực, cơ hội thuận lợi trong khó khăn, thách thức để đẩy mạnh đầu tư… đồng thời phải nắm chắc tình hình diễn biến của nền kinh tế để có các giải pháp linh hoạt trong công tác điều hành, quản trị doanh nghiệp; thực hiện tiết kiệm chi phí để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển của doanh nghiệp theo hướng tăng cường tích tụ, tập trung nguồn lực để tiến tới hình thành các tổ chức kinh tế mạnh theo mô hình. Tập đoàn. Cơ cấu lại vốn doanh nghiệp cho hợp lý. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, đa dạng hóa các hình thức đầu tư và hình thức sở hữu trong đầu tư xây dựng, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các  nhà máy xi măng, thủy điện, phát triển đô thị; tăng cường huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư để chia sẻ rủi ro, chống khép kín trong đầu tư xây dựng; rà soát các dự án đầu tư về khả năng huy động vốn và thị trường. Chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp, đảm bảo tài chính doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch; củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng và trách nhiệm trong công tác tài chính, kế toán, kiểm toán doanh nghiệp; duy trì nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê, báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật và yêu cầu quản lý điều hành của Bộ. Coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; chăm lo ổn định việc làm, tăng thu nhập và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người lao động; phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước rộng rãi.


 Báo xây dựng- QP
Các tin khác